Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL). Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, phân tích, làm rõ hơn một số nội dung được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật để tăng tính thuyết phục.
Về quan điểm xây dựng Luật, UBPL nhấn mạnh thêm một số yêu cầu cần quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ trong quá trình xây dựng, ban hành Luật như: Bám sát chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát; nội dung sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải hoặc chồng chéo; Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, không luật hóa những nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, những nội dung cần linh hoạt để phù hợp với yêu cầu thực tiễn;…
Về phạm vi sửa đổi, UBPL cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung luật hóa quy định tại các nghị quyết của UBTVQH; đồng thời, nghiên cứu làm rõ để đề xuất sửa đổi một số nội dung khác có vướng mắc, bất cập, bổ sung một số phương thức giám sát, giải pháp đổi mới được đúc kết qua tổng kết thực tiễn cho thấy hiệu quả, cần thiết nhưng chưa được Luật quy định.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cũng phân tích và nêu rõ quan điểm của Ủy ban Pháp luật đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, UBPL có 2 loại ý kiến, cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát; Loại ý kiến thứ hai tán thành việc bổ sung nguyên tắc mới như đề xuất trong dự thảo Luật.
Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, nhiều ý kiến trong UBPL tán thành với Phương án 1 và cho rằng, việc quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp giữa năm đối với một số báo cáo sẽ giúp điều hòa hợp lý, giảm tải khối lượng công việc vốn rất lớn của Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm, tạo thuận lợi để Chính phủ tổng hợp đầy đủ tình hình, số liệu trong 1 năm, khắc phục tình trạng các cơ quan phải lấy số liệu nhiều lần phục vụ xây dựng báo cáo trình Quốc hội, gây lãng phí về nguồn lực.
Về bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đa số ý kiến trong UBPL đề nghị không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu UBTVQH ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh để thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật BHVBQPPL đã quy định cụ thể các chủ thể có quyền đề nghị UBTVQH giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Đồng thời, đề nghị không bổ sung quy định Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn luật, pháp lệnh, nghị quyết vì vấn đề này thuộc thẩm quyền và trách nhiệm chủ động của các cơ quan trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật, đã được quy định cụ thể tại Luật BHVBQPPL và các luật tương ứng về tổ chức bộ máy.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, UBPL không tán thành việc luật hóa nội dung này vì cho rằng đây là nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH.
Nguồn: nongnghiep.vn