Cầu nối xây dựng mối liên kết sản xuất
Đã 27 năm gắn bó với nghề khuyến nông nhưng chị Quan Thị Hằng, cán bộ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) vẫn nhiệt huyết như thủa mới vào nghề. Thấy ruộng vẫn hăng hái xuống cấy, thấy cỏ vẫn lăn vào làm giúp bà con. Chị bảo, chị con nhà nông nghèo khó ở vùng cao nên cái chất chân quê ấy đã ngấm vào người mình.
Chị Hằng là người duy nhất trong gia đình có tới 12 anh chị em được học hết lớp 12. Cái nghèo đến bữa cơm độn sắn cũng không đủ ăn khiến chị quyết tâm học chữ để vượt nghèo. Chị bảo, cũng may ngày ấy đi học không mất tiền lại còn được thêm trợ cấp nên cũng là cơ hội để lần đầu tiên trong cuộc đời chị ra khỏi lũy tre làng.
Năm 1997, chị Hằng ra trường với tấm bằng trung cấp thú y. Chị chỉ mơ ước được trở về quê hương làm nghề hoạn lợn, chữa bệnh cho gà, vịt… chứ con nhà nông nghèo chẳng dám mơ làm cán bộ. Ấy thế mà nộp đơn xin việc ở UBND huyện Chiêm Hóa tháng trước, tháng sau đã thấy có giấy báo đi làm cán bộ khuyến nông thuộc biên chế của Phòng NN-PTNT huyện Chiêm Hóa.
Đi làm, cô gái trẻ người Tày Quan Thị Hằng luôn đặt bản thân mình vào mỗi hộ gia đình khi triển khai mô hình. Vì đã là một nông dân, lại con nhà nghèo, chị thấu hiểu nỗi niềm yêu quý của cải của nông dân. Bởi thế đến mỗi gia đình, chị đều coi họ như người thân, tận tình hỗ trợ những kiến thức đã học được.
Nhưng cũng có nhiều bản làng bà con không thích chị. Họ bảo cán bộ xa cách lắm, chỉ biết nói những câu trong sách vở. Nói xong rồi đi, mô hình ở lại thì chỉ nông dân là khổ. Nghe được tin ấy, thay vì trách bà con, chị càng thêm quyết tâm nuôi khát vọng giúp bà con quê mình bớt đói nghèo.
Bởi thế, mỗi khi đi tham quan thực tế các cánh đồng trù phú, gặp được doanh nghiệp bao tiêu nông sản chị đều tìm cách tiếp cận để hỏi xem đồng đất ở quê mình có thể phát triển giống cây con đó không?
Cách đây gần 10 năm, chị đã kết nối với một HTX triển khai trồng 6ha tỏi, ớt tại xã Phúc Sơn (huyện Chiêm Hóa). Đến thời kỳ ớt, tỏi vào độ thu hoạch nhưng chẳng thấy doanh nghiệp thu mua. Cả tuần dài, chị chẳng thể nhắm mắt ngủ được khi nhớ về ánh mắt thất vọng của những nông dân đã tin tưởng mình. Vụ tỏi, ớt ấy gia đình chị lỗ cả mấy chục triệu đồng.
Chị Hằng chia sẻ, thua lỗ không đáng sợ bằng mất đi niềm tin. Mãi đến cách đây 3 năm, chị mới triển khai mô hình trồng dưa Nhật tại xã Hòa An và Tân Thịnh liên kết với Hội Nông dân xã và HTX Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) với diện tích 5ha. Trong đó xã Tân Thịnh 3,8ha/45 hộ tham gia, xã Hòa An 1,2ha/16 hộ tham gia thực hiện. Mô hình triển khai thành công với năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, tổng sản lượng 250 tấn, giá ký kết thu mua mua ổn định là 3.200 đồng/kg, mang lại tổng thu nhập trên 800 triệu đồng. Trừ các khoan chi phí đầu tư, trung bình mỗi ha thu lãi 120 triệu đồng. Sau 3 năm, đến nay diện tích dưa tại 2 xã này đã lên đến 135,6ha.
Thành công từ mô hình trồng dưa đã tiếp thêm sức mạnh cho chị mở rộng phát triển chuỗi liên kết trồng ớt. Trong năm 2022, chị tiếp tục liên kết với HTX Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích 1,1ha ớt tại thôn Pá Tao và Lăng Hối (xã Tân An, huyện Chiêm Hóa) với 12 hộ tham gia. Ớt chỉ địa là cây trồng mới nhưng với phương pháp khuyến nông “cầm tay chỉ việc” nên các hộ đã thực hiện áp dụng đúng theo tiến bộ kỹ thuật.
Kết quả thu hoạch quả ớt xanh năng suất đạt trên 50 tấn/ha, giá thu mua ổn định 10.000 đồng/kg. 1,1ha ớt ấy cho thu về trên 550 triệu đồng/vụ đầu tiên. Đến nay, diện tích ớt trong chuỗi liên kết đã lên tới 43,6ha, tập trung nhiều nhất tại xã Hòa An hơn 20ha, xã Tân Thịnh 3,5ha, xã Hà Lang 1,8ha, xã Nhân Lý 4,2ha…
Hiện nay, đội ngũ cán bộ khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở của tỉnh Tuyên Quang là 334 người và gần 2.000 khuyến nông thôn bản. Giống như chị Quan Thị Hằng, họ luôn cần mẫn gắn bó với xóm làng, thôn bản; gần gũi với nông dân để tỉ tê, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức chăn nuôi, trồng trọt… Họ thấu hiểu cái khó, cái nghèo của nông dân để giúp bà con vượt lên lam lũ đói nghèo, tạo nên bức tranh nông nghiệp đổi mới ở nông thôn, miền núi của Tuyên Quang.
Khuyến nông lớn lên cùng nông dân
30 năm, một chặng đường vươn lên mạnh mẽ của Khuyến nông Tuyên Quang. Đã có hàng nghìn mô hình về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản được triển khai. Trong số các mô hình ấy, không phải mô hình nào cũng thành công. Nhưng rõ ràng, các mô hình ấy đã tạo nền tảng quan trọng để nông nghiệp Tuyên Quang có những bước tiến dài và đột phá.
Nông nghiệp Tuyên Quang hôm nay có gì? Đất đai nhiều và phì nhiêu, khí hậu thuận lợi chẳng nhẽ Tuyên Quang không có thế mạnh gì để tự hào và ghi danh vào bản đồ nông nghiệp của cả nước? Đó là những trăn trở luôn đặt ra cho những người làm công tác khuyến nông và cả lãnh đạo Sở NN-PTNT Tuyên Quang.
Khát vọng ấy đã tạo ra động lực để nông nghiệp Tuyên Quang đi lên. Từ mô hình phát triển giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đến nay Tuyên Quang có cả hệ thống các cánh rừng rộng lớn với tỷ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt tới gần 49.000ha. Tuyên Quang đang tập trung xây dựng để trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất chế biến gỗ.
Sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP) của Tuyên Quang cũng đang không ngừng được lan tỏa, mở rộng từ ruộng đồng tới núi đồi, từ thôn xóm vùng thấp đến bản làng vùng sâu, vùng xa… để hình thành nên chuỗi giá trị, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm để thương lái, doanh nghiệp thu mua ổn định, vừa đảm bảo cho nông dân có tiền.
Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 4 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (sản phẩm cam sành Hàm Yên, bưởi Xuân Vân, chè shan tuyết Na Hang và rượu ngô Na Hang); trên 250 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 25 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tỉnh Tuyên Quang cũng có 16 cửa hàng bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, trong đó tại tỉnh Tuyên Quang có 12 cửa hàng và 2 cửa hàng ở TP Hà Nội.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015 – 2023 (theo giá so sánh năm 2010) của Tuyên Quang tăng bình quân gần 4,2%/năm. Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô tương đối lớn, giá trị cao. Tiêu biểu như vùng cam tập trung hơn 8.000ha, vùng trồng chè 8.477ha, vùng trồng lạc 4.517ha, vùng cây ăn quả có múi 15.902ha, rừng trồng gỗ nguyên liệu 131.784ha…
Trên hành trình dài hình thành nên những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, cho giá trị cao đó của Tuyên Quang, có đóng góp thầm lặng, không ngừng nghỉ của đội ngũ những người làm công tác khuyến nông.
Hiện nay, Tuyên Quang đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nổi bật như sản phẩm chè bát tiên Mỹ Bằng; mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân được Viện Sở hữu trí tuệ Quốc tế xếp đứng top 10 thương hiệu – nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2018; chè shan tuyết Hồng Thái được công nhận sản phẩm hữu cơ và được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia.
Nguồn: nongnghiep.vn