Cả nước có 5.167 tổ khuyến nông cộng đồng
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đặt vấn đề như vậy đối với các tổ khuyến nông cộng đồng – những người trực tiếp tiếp xúc với bà con nông dân từ cấp cơ sở tại Tọa đàm “Truyền thông mô hình tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả” được tổ chức vào chiều ngày 19/12 tại Điện Biên.
Tọa đàm do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức. Tham dự tọa đàm có 100 khuyến nông viên tiêu biểu của tỉnh Điện Biên; đại diện khuyến nông cộng đồng của 5 trung tâm khuyến nông thuộc 5 tỉnh miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên.
Ông Hoàng Tuyển Phương (Trưởng phòng Nông nghiệp, Trồng trọt – Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, sau 2 năm thực hiện Đề án thí điểm mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), hiện cả nước đã có 57 tỉnh, thành thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với 47.293 thành viên tham gia.
Thành viên tham gia tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương (hội nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, hợp tác xã, doanh nghiệp…), đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Đề án khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
KNCĐ đã khẳng định được vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong nhận thức; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông, củng cố lại hệ thống khuyến nông trên nguyên tắc không thay đổi bộ máy và biên chế khuyến nông, tổ chức lại lực lượng khuyến nông cơ sở gắn với địa bàn xã để thực hiện tốt công tác khuyến nông.
Với 5 nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Đề án, KNCĐ thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; hỗ trợ phát triển hợp tác xã; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn; tư vấn, dịch vụ; chuyển đổi số.
Các tổ KNCĐ đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, đặc biệt là ở các vùng nguyên liệu, nông dân đã được tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, được tham gia liên kết sản xuất theo hợp đồng với các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường; mở rộng không gian kết nối khuyến nông, thu hút sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp, HTX, thúc đẩy xã hội hóa khuyến nông.
Cần sớm có cơ chế hỗ trợ
Tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đề nghị lãnh đạo trung tâm khuyến nông của các tỉnh, các huyện, các khuyến nông viên chia sẻ những tồn tại, hạn chế, khó khăn; đề xuất các giải pháp, phương hướng, bài học kinh nghiệm… để tổ KNCĐ ngày càng làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ của mình.
“Cả nước có gần 50.000 thành viên tham gia các tổ KNCĐ. Tại Điện Biên, 100% số xã đã có tổ KNCĐ với trên 1.000 người tham gia. Nhiều địa phương hoạt động KNCĐ rất hiệu qua như Bến Tre, Điện Biên, Sơn La…, tuy nhiên nhiều tổ vẫn còn đang lúng túng” – ông Thanh nói.
Khuyến nông viên Lò Văn Bôn (thành viên Tổ KNCĐ xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) nêu thực tiễn: Sau 2 năm thực hiện, tất cả các xã ở Điện Biên đã có tổ KNCĐ. Tuy nhiên việc thực hiện còn nhiều vấn đề do đây là mô hình mới nên khi triển khai vẫn còn lúng túng, vướng mắc. Tổ KNCĐ xã Thanh Xương có 7 thành viên gồm cán bộ thú y, cựu chiến binh, hội nông dân… Các thành viên gần như là kiêm nhiệm nên không đủ thời gian, không toàn tâm, toàn ý, hết mình với nhiệm vụ của khuyến nông viên.
Ông Bôn đề xuất, cần củng cố tổ chức tổ KNCĐ. Thành viên KNCĐ phải là người gần nông dân, sống trên địa bàn các thôn bản. Hiện có các trưởng thôn bản là những người trực tiếp triển khai nhiệm vụ sản xuất ở thôn bản mình nên có thể lựa chọn các trưởng thôn bản có năng lực để cơ cấu vào tổ KNCD; tránh bố trí xen ghép các tổ chức đoàn thể ở xã do họ còn những công việc, nhiệm vụ riêng.
Chị Nguyễn Thị Sang, khuyến nông xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) chia sẻ: Tổ KNCĐ xã Sam Mứn được thành lập vào năm 2023, trong đó có Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, trưởng các ban ngành đoàn thể là thành viên nhưng đến thời điểm hiện tại kết quả hoạt động chưa khả quan; các văn bản hướng dẫn thành lập, cơ chế hoạt động chưa rõ ràng… Chị Sang kiến nghị, thành viên tổ KNCĐ phải là phó chủ tịch xã phụ trách nông nghiệp, các trưởng thôn bản, cán bộ thú y, chăn nuôi, trồng trọt… bởi họ là những người có chuyên môn…, không nên đưa đại diện các đoàn thể vào làm thành viên của tổ, vì như thế sẽ chỉ mang tính hình thức, không thực chất.
Các khuyến nông viên đề xuất được tham dự các lớp tập huấn để nắm bắt các kiến thức, khoa học kỹ thuật; tham quan các mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp… để có kinh nghiệm thực tiễn, từ đó về phổ biến với bà con…
Ông Lê Quốc Thanh đề nghị, các tổ KNCĐ phải biết lắng nghe bà con nông dân cần những gì, mong muốn những gì; KNCĐ cần chia sẻ được với bà con trong hỗ trợ khoa học kỹ thuật, làm cầu nối liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường…
Theo ông Thanh, câu chuyện KNCĐ là “bắt đầu của câu chuyện bắt đầu”, vừa làm vừa xây dựng nhưng đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Sau mỗi đợt thiên tai, KNCĐ là lực lượng có mặt đồng hành cùng người dân khắc phục, tái thiết lại sản xuất nông nghiệp. Rất nhiều tổ KNCĐ như tại Kiên Giang, Kon Tum, Bến Tre… hoạt động hiệu quả, hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ cho người dân.
Mặc dù vậy, nhiều địa phương, nhiều nơi KNCĐ vẫn hoạt động theo phong trào. “Chúng ta cần cách tiếp cận mới. Về mô hình tổ chức, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ đưa ra gợi ý, nguyên tắc chứ chưa có mô hình cụ thể nào, bởi mỗi địa phương có đặc thù riêng nên cần sự tổ chức linh hoạt, phù hợp. Tuy nhiên, cần đảm bảo KNCĐ phải là nòng cốt, phải có trụ sở làm việc, có cơ sở vật chất. Cần tạo dựng mối liên kết, đó là doanh nghiệp đầu ra và doanh nghiệp đầu vào. Cần mời lực lượng già làng, trưởng bản tham gia KNCĐ trong công tác chia sẻ, dân vận với bà con.
Về yêu cầu, chúng ta phải trở thành những người chuyên nghiệp. Nếu như chưa chuyên nghiệp sẽ tổ chức tập huấn, mở các lớp đào tạo khuyến nông viên nhưng yêu cầu phải học thật, tự tăng cường năng lực thật. Muốn tri thức hóa nông dân thì mình phải tự tri thức hóa chính mình”, ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, hiện tại, các khuyến nông viên chưa được hưởng lương, chưa có kinh phí trong quá trình hoạt động. Một số địa phương có cơ chế hỗ trợ 1 hệ số lương hoặc 0,3 hệ số lương/tháng. Về lâu dài, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ báo cáo, xin ý kiến để có khoản kinh phí hoạt động cho các tổ KNCĐ. Tuy nhiên trước mắt, các tổ KNCĐ làm tốt sẽ có thu nhập từ các dịch vụ mà mình cung cấp, lấy nguồn thu từ xã hội hóa đó để nuôi bản thân, duy trì các tổ KNCĐ.
“Doanh nghiệp, các HTX, đơn vị sản xuất có thể tin tưởng giao cho KNCĐ tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân, tin tưởng KNCĐ là cầu nối kết nối trong tiêu thụ sản phẩm, phân phối sản phẩm và sẽ chi trả lợi nhuận cho KNCĐ. Điều đó hoàn toàn có cơ sở”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh nói.
Nguồn: nongnghiep.vn