Ngày 21/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tổ chức hội nghị triển khai dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”.
Quỹ Thiện Tâm là quỹ từ thiện do Tập đoàn Vingroup sáng lập và tài trợ. Với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, trong hơn 17 năm qua, Quỹ đã luôn nỗ lực hết mình trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, Quỹ xác định cách tốt nhất giúp thoát nghèo bền vững là phải tạo sinh kế, thu nhập ổn định để người nghèo có điểm tựa, tự đứng vững trên đôi chân của mình, tiến lên phía trước.
Chính vì vậy, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và đúc rút những bài học kinh nghiệm từ các mô hình sinh kế hiệu quả, từ tháng 9/2022, Quỹ đã chính thức triển khai dự án “Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững”. Dự án đã triển khai thí điểm mô hình tại 3 hợp tác xã (HTX) điển hình của tỉnh Thái Nguyên, Sơn La. Những kết quả tại mô hình được cơ quan quản lý nhà nước, HTX, người dân đánh giá cao về tính sáng tạo, đột phá trong cách thức triển khai và giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Tiếp nối thành công đó, được sự nhất trí của Trung tâm KNQG và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Quỹ Thiện Tâm tiếp tục nhân rộng mô hình tới nhiều tỉnh thành trên cả nước nhằm đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo theo tinh thần “tất cả hướng về người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và hoàn thành tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Đến nay, Quỹ Thiện Tâm, Trung tâm KNQG, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đã triển khai công tác hỗ trợ cho 20 HTX điển hình tại 11 tỉnh thành gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Trong đó, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vốn vay không tính lãi suất từ 1 tỷ đồng (vốn hỗ trợ ban đầu cho các HTX nông nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình). HTX cam kết sử dụng nguồn vốn vay để mua con giống, cây giống, trang thiết bị máy móc, vật tư… để phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao và cam kết bố trí việc làm cho từ 25 hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương với thu nhập tối thiểu từ 1 triệu đồng/hộ gia đình/tháng.
Đồng thời, cam kết hoàn trả từ 30 – 50% vốn hỗ trợ ban đầu cho Quỹ Thiện Tâm tại thời điểm kết thúc năm thứ 5 thực hiện dự án và hoàn trả nốt phần vốn còn lại sau khi địa phương không còn hộ khó khăn cần dự án hỗ trợ (nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ khi bắt đầu thực hiện dự án). Số tiền hoàn trả cho Quỹ Thiện Tâm sẽ được Quỹ cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý chương trình thống nhất phương án, nội dung để điều chuyển sang các chương trình an sinh xã hội khác.
Về tiêu chí lựa chọn địa phương, HTX, tổ hợp tác tham gia chương trình: Đối với địa phương, là huyện/xã thuộc vùng kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cao, còn nhiều hộ có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn mong muốn có thêm việc làm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, có các điều kiện cơ bản thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp (đất, nước, khí hậu, tập quán lao động, tiêu thụ đầu ra…). Chính quyền địa phương đồng thuận với dự án, cam kết tham gia dự án và có bộ máy quản lý thực hiện hiệu quả.
Đối với HTX, tổ hợp tác, nghiệp đoàn, hiệp hội, cần có tư cách pháp nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật; có hệ thống cơ sở hạ tầng, tư liệu sản xuất, bộ máy nhân sự cơ bản đáp ứng được yêu cầu của dự án; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp và có hiệu quả; có khả năng đối ứng các chi phí để thực hiện quy trình kỹ thuật của dự án; có tiềm năng phát triển, mở rộng thêm hệ sinh thái nông nghiệp; thiện chí hỗ trợ việc làm lâu dài cho các hộ khó khăn tại địa phương; chấp hành các quy định của chương trình, thủ tục của nhà tài trợ.
Nguồn: nongnghiep.vn