Nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả
Ngày 29/12, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Tham dự có các nông dân trực tiếp tham gia mô hình sản xuất đạt kết quả cao, các tổ chức, doanh nghiệp đối tác hợp tác thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, trong năm 2023, đơn vị đã thực hiện 28 chương trình, dự án, đề tài trên 52 dạng mô hình trình diễn khuyến nông, gồm: 2.024ha cây lúa; 420ha lúa trên nền đất nuôi tôm; 97,5ha tôm – lúa, cá – lúa, tôm – cua; 35ha trên cây màu; 7 điểm trồng rau’ 120ha cây ăn trái, cây lâm nghiệp; 4 hệ thống tưới; 92 điểm chăn nuôi; 45 điểm nuôi thủy sản; 4 điểm cơ giới hóa; 8 lớp dạy nghề nông thôn.
Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt thực hiện 18 dạng mô hình, trong đó gồm 2.024ha cây lúa và 420ha lúa trên nền đất tôm, 35ha cây màu, 7 điểm cây rau, 90ha cây ăn trái và 4 hệ thống tưới, 30ha cây lâm nghiệp. Nổi bật là dự án cánh đồng lớn đáp ứng vùng nguyên liệu và ứng phó với biến đổi; xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ; chương trình canh tác lúa tiên tiến gắn với sản xuất lúa giống cấp xác nhận; dự án cải tạo chất lượng đất trong sản xuất lúa bền vững SRP thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Kiên Giang. Các mô hình trên cây lúa đã tổ chức 76 lớp tập huấn cho 2.270 nông dân và 11 cuộc hội thảo đánh giá và nhân rộng với sự tham dự của 970 đại biểu.
Ngay từ đầu vụ, các cánh đồng đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với các công ty như: Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, Công ty TNHH Nông Phát Đạt, Công ty TNHH MTV Dịch vụ nông nghiệp CNC Angimex, Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty Nông nghiệp hữu cơ Kiên Giang, Công ty TNHH Nguyễn Kim Cương, Công ty TNHH MTV Vạn Trường Thịnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
Chăn nuôi thực hiện 11 dạng mô hình với 92 điểm trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc và giá cầm. Tiêu biểu là mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi bò thịt lai giống ngoại kết hợp trồng cỏ voi, cỏ paspalum… nuôi dê sinh sản; nuôi heo thương phẩm an toàn sinh học kết hợp sử dụng thảo dược; nuôi gà nòi ô tía, gà tre, gà ri sinh sản và thương phẩm theo hướng an toàn sinh học kết hợp thức ăn thảo dược, nuôi vịt Grimaud, vịt Xiêm, Pháp thương phẩm.
Nuôi thủy đặc sản nước ngọt có 4 mô hình với 21 điểm, tiêu biểu như nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi cá chốt trong ao đất, nuôi cá chạch lấu, nuôi ốc bươu đen thương phẩm.
Thủy sản mặn lợ ven biển thực hiện 6 dạng mô hình với 24 điểm, tiêu biểu như mô hình ứng dụng vi sinh cải thiện môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp trong ao lót bạt; nuôi cá mú Trân Châu trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với cá tạp; mô hình nuôi nghêu thương phẩm, nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ ven biển…
Các mô hình thủy sản kết hợp thực hiện 5 dạng mô hình với diện tích hơn 97ha, như nuôi cá trê vàng xen canh trồng lúa; nuôi tôm sú, tôm càng xanh toàn đực luân canh với trồng lúa hữu cơ; nuôi tôm sú kết hợp cua biển dưới tán rừng…
Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang còn phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên các cây trồng như chuối, khóm – cau – dừa, lúa.
Đổi mới công tác khuyến nông
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi mà tỉnh có lợi thế phát triển. Đồng thời, đổi mới công tác khuyến nông phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức tốt các dịch vụ về chuyển giao khoa học, công nghệ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý từ tỉnh đến cơ sở, hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý, thông tin thị trường…
Phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể, Viện, Trường, các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn lực để đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông. Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức tham gia tư vấn, hướng dẫn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngành nông nghiệp. Nâng cao hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, giúp thực hiện hoàn thành tiêu chí số 13 về “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang yêu cầu lực lượng khuyến nông phải tiếp cận nhiệm vụ theo hướng mới, cách làm mới, tổ chức lại sản xuất. Trọng tâm như xây dựng mô hình sản xuất trên cây lúa, nếu đã đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ thì cần tiếp tục sản xuất xanh, giảm phát thải. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học kết hợp bổ sung thức ăn thảo dược để phòng chống dịch bệnh, tăng giá trị.
Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, cần có sự phối hợp chặt chẽ với nông dân, chính quyền địa phương, các phòng ban, doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo mối liên kết bền vững. Khắc phục tình trạng mô hình khuyến nông đạt hiệu quả nhưng còn hạn chế về công tác nhân rộng, sức lan tỏa chậm và chưa nâng cao được thu nhập của số đông nông dân…
Nguồn: nongnghiep.vn