Hành trình hơn nửa thế kỷ
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. TS. Nguyễn Hưng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cho biết, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, nền móng ban đầu là 2 khoa Chăn nuôi, Trồng trọt và hơn 100 sinh viên, tuyển sinh chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc, đến nay nhà trường thực hiện tuyển sinh đào tạo trên cả nước và quốc tế với 3 trình độ đào tạo: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Hằng năm, nhà trường tuyển sinh khoảng 1.500-1.800 sinh viên hệ đại học, 300-400 học viên cao học và nghiên cứu sinh đến từ khắp các vùng miền của Tổ quốc. Đặc biệt, trong đó có nhiều sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia trên thế giới.
“Đến thời điểm hiện tại, hơn 55.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 4.000 thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo và trưởng thành từ mái trường này. Các thế hệ cựu sinh viên đã và đang đóng góp vai trò quan trọng không chỉ trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nói riêng, mà còn phục vụ cho khu vực Đông Nam Á và thế giới”, PGS. TS. Nguyễn Hưng Quang chia sẻ.
Để có được kết quả đó, chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được tập trung và đặc biệt chú trọng. Thông qua hai lần kiểm định năm 2017 và năm 2023, các tiêu chí kiểm định của nhà trường luôn được đánh giá mức cao, xếp top 10 các trường Đại học ở Việt Nam. Hoạt động giảng dạy, học tập của trường đã và đang từng bước được đổi mới không chỉ về chương trình, nội dung đào tạo mà cả phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức đào tạo.
Bên cạnh đó, với thế mạnh trong hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường đã được phê duyệt và triển khai thực hiện 61 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia, 72 nhiệm vụ cấp Bộ, 574 đề tài và chương trình chuyển giao cấp tỉnh, 15 đề tài cấp Đại học, 570 đề tài cơ sở của cán bộ giảng viên, hơn 400 nghiên cứu khoa học của đề tài sinh viên.
Những kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ hoặc cấp bằng độc quyền đối với 41 sản phẩm khoa học công nghệ, 12 sản phẩm được thương mại hóa và hàng nghìn các sản phẩn OCOP 3, 4 sao được tư vấn thành công tại các địa phương. Tổng nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển gian công nghệ ước tính là xấp xỉ 100 tỷ/năm.
Phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến gửi lời chúc mừng, biểu dương những thành tích Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời bày tỏ mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy bề dày truyền thống trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Quan tâm, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi khuyến khích các cán bộ, giảng viên tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Triển khai đồng bộ các giải pháp, đổi mới quản trị nhà trường, công tác quản lý, phương pháp dạy học, công tác kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng đào tạo.
“Nhà trường cần chú trọng phương pháp đào tạo tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sớm xây dựng Trường tự chủ, đạt được các mục tiêu, cũng như tầm nhìn mà nhà trường đã xác định: Đến năm 2030, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên sẽ là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng trong hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Đông Nam Á (AUN – QA)”, ông Lê Quang Tiến bày tỏ.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, nhà trường cần phát huy hiệu quả tổng hợp các nguồn lực để tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, từ đó đáp ứng xây dựng nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu giảng dạy và học tập.
“Đặc biệt, cần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động. Không những giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn thu hút được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cộng tác, tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nhà trường”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.
Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Quang Tiến đề nghị Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tiếp tục có thêm nhiều nghiên cứu, đề tài nhằm trồng, chăm sóc, tạo thương hiệu cho cây chè Thái Nguyên thành cây chè tỷ đô, có thể vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Đề nghị Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh đề xuất, triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển nông lâm nghiệp theo định hướng của tỉnh. Đồng thời phối hợp cùng Sở NN-PTNT, các địa phương trên địa bàn tỉnh tư vấn các đề án, xây dựng các mô hình điển hình về phát triển nông lâm nghiệp trong giai đoạn tới”, ông Lê Quang Tiến lưu ý.
Với những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực công tác, trong chặng đường 55 hình thành và phát triển Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều bằng khen khác.
Nguồn: nongnghiep.vn