Theo thống kê, đến nay đã có trên 2.000 người tại tỉnh Vĩnh Phúc phải đi điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó có 2 người tử vong tại huyện Lập Thạch do bị chó cắn nhưng chủ quan, không đi điều trị kịp thời.
Tại Hải Dương, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 600 người bị chó, mèo tấn công phải tìm đến các cơ sở y tế để tiêm huyết thanh, vacxin phòng dại. 1 người tại thành phố Chí Linh tử vong sau 2 tháng bị chó cắn.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại; hơn 3.000 trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn đến các cơ sở y tế để tiêm vacxin phòng dại.
Đây là những ví dụ cho thấy bệnh dại vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân chính được xác định là do công tác quản lý đàn chó, mèo tại một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa tốt. Người nuôi chó không chấp hành việc nuôi nhốt, chó thả rông cắn người tiếp tục xuất hiện. Số lượng chó, mèo được tiêm phòng chủ yếu theo kế hoạch hàng năm của địa phương, thấp hơn so với tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo quy định…
Trước tình hình trên, Cục Thú y yêu cầu các địa phương, tăng cường tuyên truyền tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm cho người, động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng thôn, xóm, xã, phường thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y; ký cam kết thực hiện 5 không: “không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không để chó cắn người; không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường”.
Tiêm vacxin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với virus dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại. Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vacxin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
Về xử lý ổ dịch, đối với người, những người bị chó mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn. Đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
Điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân. Cách ly, điều trị người bệnh tại bệnh viện với sự chăm sóc đặc biệt về y tế. Tránh tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân trong suốt thời gian mắc bệnh. Sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường. Những người chăm sóc, phục vụ trực tiếp người bệnh nên dùng găng tay, mặc áo choàng, đeo khẩu trang.
Điều tra người tiếp xúc, nguồn lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng để điều trị dự phòng bệnh dại cho những người bị phơi nhiễm tại khu vực ổ dịch. Sau khi người bệnh tử vong thì tiến hành sát trùng tẩy uế lần cuối tại gia đình hoặc bệnh viện và mai táng bệnh nhân tử vong theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm gây dịch nhóm B.
Đối với động vật, diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại; vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch. Tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt; cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vacxin phòng bệnh dại.
Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có ổ dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch…
Nguồn: nongnghiep.vn