Chính sách chăn nuôi hoàn thiện chưa từng có
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến động thị trường; ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở đất tại các tỉnh phía Bắc; nắng nóng, hạn hán tại Tây Nguyên, miền Trung; xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam… nhưng lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được những kết quả rất khả quan.
Cụ thể, đàn lợn hơn 31 triệu con (bao gồm hơn 4 triệu lợn con chưa tách mẹ), tăng 3,3% so với năm 2023. Đàn gia cầm hơn 575 triệu con (tăng 2,8%). Tổng đàn trâu hơn 2 triệu con (giảm 3%), đàn bò hơn 6 triệu con (giảm 0,6%). Sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 8 triệu tấn (tăng 5,4% so với năm 2023).
Ngành chăn nuôi đã có 7 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2025 (theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045). Cụ thể, mức tăng trưởng giá trị sản xuất hàng năm đạt 5,4% (chỉ tiêu từ 4 – 5%/năm). Sản lượng thịt xẻ các loại sản xuất trong nước đạt 5,6 – 5,8 triệu tấn (chỉ tiêu từ 5 – 5,5 triệu tấn). Sản lượng trứng hơn 20 tỷ quả (chỉ tiêu từ 18 – 19 tỷ quả). Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Thịt xẻ 56 – 57kg (chỉ tiêu từ 50 – 55kg), 220 quả trứng (chỉ tiêu 180 – 190 quả). Tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trên 31 triệu con (chỉ tiêu đến năm 2030 từ 29 – 30 triệu con). Kén tằm hơn 18.000 tấn (chỉ tiêu đến năm 2030 là 10.000 tấn).
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 533 triệu USD (tăng 6,5%). Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 21 triệu tấn (tăng 3,4%). Hầu hết giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023 (ngô giảm hơn 15%, khô dầu đậu tương hơn 10%, cám gạo chiết ly gần 8%, thức ăn hỗn hợp lợn thịt vỗ béo từ 60kg trở lên 7%, thức ăn hỗn hợp gà thịt lông màu 5%, gà thịt lông trắng 5,3%…).
Công tác xây dựng thể chế cũng là điểm sáng của ngành chăn nuôi trong năm 2024 khi lần đầu tiên những nội dung về đất chăn nuôi tập trung được đưa vào Luật Đất đai sửa đổi. Đồng thời, cũng là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành chăn nuôi có 1 nghị định về chính sách nâng cao hiệu quả chăn nuôi (Nghị định 106/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 1/8/2024).
Cùng với đó, 5 đề án và kế hoạch của 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 cũng được ban hành. Có thể nói, chưa bao giờ ngành chăn nuôi nước ta có một hệ thống thể chế, chính sách đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, hội nhập khu vực và quốc tế như hiện nay.
Trên cơ sở đó, trong năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành tăng khoảng 4 – 5% so với năm 2024. Tỷ trọng chăn nuôi trong tổng thể ngành nông nghiệp ước đạt 28 – 30%.
Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 8,6 triệu tấn (tăng 4,5%); sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 5,4 triệu tấn (tăng 5%); sản lượng thịt gia cầm đạt trên 2,53 triệu tấn (tăng 4,2%); sản lượng trứng các loại khoảng 21 tỷ quả (tăng 4%); sản lượng sữa đạt trên 1,25 triệu tấn (tăng 4,8%); sản lượng mật ong 26.000 tấn (tăng 9,2%); sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 22 triệu tấn (tăng 2,6%).
Quản lý nhà nước phải là điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả Cục Chăn nuôi đã đạt được trong năm 2024, đồng thời nhấn mạnh: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thị trường biến động khó lường, dịch bệnh luôn rình rập, sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự trong thời gian tới…, Cục Chăn nuôi không được tự hài lòng với những gì đã đạt được. Theo đó, cần nghiêm túc rà soát, đánh giá, hoàn thiện tất cả các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính bao trùm, bám sát và giải quyết được những vấn đề thực tiễn.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cắt giảm thủ tục hành chính, phát huy cao độ năng lực dự tính, dự báo, ứng phó kịp thời với những biến động bất ngờ để dẫn dắt toàn ngành chăn nuôi duy trì được đà tăng trưởng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, trước những yêu cầu ngày càng cao của các thị trường và cạnh tranh khốc liệt, trong khi khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi của chúng ta đang rất hạn chế, Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi… khi xây dựng các công trình nghiên cứu, đề tài, dự án, chương trình phải hướng tới tính mới, bắt kịp xu thế khoa học công nghệ, chuyển đổi số của thế giới thì mới không bị tụt hậu.
Mặt khác, tích cực phối hợp với các đơn vị, hiệp hội, địa phương, nhất là các đơn vị truyền thông triển khai quyết liệt công tác phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi qua biên giới, tạo không gian thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi trong nước phát triển.
Đặc biệt, trong xu thế chung của toàn cầu hướng tới sản xuất chăn nuôi an toàn, giảm phát thải, Cục Chăn nuôi cần tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách, đánh giá nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, tuần hoàn đã phát huy hiệu quả; khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân tạo thuận lợi kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Qua đó, từng bước nâng tầm chăn nuôi trong nước và thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
“Quản lý nhà nước phải làm điểm tựa cho người dân, doanh nghiệp. Cục Chăn nuôi thấy ở đâu có khó khăn phải nhanh chóng vào cuộc, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời đưa ra biện pháp tháo gỡ, giải quyết triệt để, đến cùng mọi vấn đề, không đánh trống bỏ dùi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn