Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thạnh (Vĩnh Hưng, Long An) là một điển hình trong quá trình tổ chức sản xuất. Để các thành viên HTX gia tăng lợi nhuận, thời gian qua đơn vị đã triển khai quy trình sản xuất lúa hữu cơ không phân, không thuốc, ứng dụng công nghệ cao… đã giúp bà con thu lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa truyền thống trên 4 triệu đồng/ha.
Giám đốc HTX Vĩnh Thạnh Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết, HTX có 83 thành viên cùng với thành viên liên kết, diện tích canh tác trên 1.150ha lúa ứng dụng công nghệ cao, cung ứng khoảng 1.000 tấn lúa sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu. Trong đó, 100ha diện tích trồng lúa VietGAP xuất khẩu sang châu Âu, 50ha sản xuất lúa giống, còn lại khoảng 1.000ha lúa hàng hóa chất lượng cao được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 300 đồng/kg. Lợi nhuận mang lại cho các thành viên cao hơn sản xuất lúa truyền thống trên 4 triệu đồng/ha.
Ông Huỳnh Văn Trúc Nhơn, Phó bí thư Đảng ủy xã Khánh Hưng (Vĩnh Hưng, Long An) cho biết, phương thức tổ chức sản xuất của HTX Vĩnh Bình đạt hiệu quả rất cao, được địa phương nhân rộng ra toàn xã. Cách làm của HTX là kêu gọi các thành viên góp vốn hoạt động theo từng gói dịch vụ riêng biệt. Ví dụ như dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa… thành viên góp vốn gói dịch vụ nào thì hưởng lợi nhuận gói dịch vụ ấy. Kinh phí hoạt động của HTX được vận dụng từ nguồn phúc lợi của doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua lúa, cung ứng vật tư đầu vào… Với cách làm công khai, minh bạch của HTX đã giúp các cho thành viên nâng cao thu nhập, giúp cho địa phương giữ vững và nâng chất tiêu chí thu nhập để về đích NTM nâng cao và tiến tới NTM kiểu mẫu.
HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh (Thủ Thừa, Long An) được thành lập từ khi địa phương bắt tay xây dựng NTM. Trong những ngày đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sản xuất, tìm kiếm đầu ra sản phẩm, nguồn vốn đầu tư hạn chế. Tuy nhiên, nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cho các thành viên HTX, sản phẩm làm ra đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp cho các siêu thị và chuỗi bếp ăn công nghiệp 1.500 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Châu Văn Xuân, thành viên HTX NN Mỹ Thạnh chia sẻ: Trước đây, gia đình trồng hoa màu canh tác truyền thống, thu nhập bấp bênh, giá cả không ổn định. Từ khi tham gia HTX, được hướng dẫn kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao tưới tự động, sử dụng phân bón hữu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX hỗ trợ tiêu thụ, bán được giá, thu lợi nhuận cao hơn sản xuất truyền thống.
Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh Nguyễn Quốc Cường cho biết, để vượt qua khó khăn, HTX đã tổ chức lại sản xuất bằng cách đổi mới phương thức hoạt động, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, lập kế hoạch kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Để nông sản đến tay nhiều người tiêu dùng, HTX đã đăng ký nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc, đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia giới thiệu sản phẩm tại các trang thương mại điện tử; liên kết với đối tác trung gian để đưa sản phẩm vươn xa.
Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) không ngừng phát triển và hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện Cần Đước. Hiện tại, HTX có 57 thành viên, chuyên sản xuất rau ăn lá, rau mùi, rau thủy canh… theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 15ha.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa – Kiều Anh Dũng chia sẻ: Vì sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất, HTX chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các thành viên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ, ghi chép sổ nhật ký canh tác.
Hiện tại, mỗi ngày HTX cung cấp cho thị trường (siêu thị, chợ Bình Điền, trường học…) khoảng 2 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài lợi nhuận của các thành viên trong HTX còn tạo việc làm cho 25 – 30 lao động tại địa phương có thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần cùng với địa phương thực hiện thành công tiêu chí giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong xây dựng NTM.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Long An Trần Quốc Toản, Long An hiện có 249 HTX nông nghiệp, tổng vốn điều lệ hơn 282 tỷ đồng, với 5.328 thành viên. Các HTX đã thực hiện được vai trò làm cầu nối dịch vụ cho các thành viên trong việc cung ứng giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp… theo hình thức mua chung, bán chung, chia sẻ kỹ thuật sản xuất, liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí tổ chức lại sản xuất trong xây dựng NTM. Tuy vậy, kinh tế tập thể nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế như tỷ lệ các hộ tham gia liên kết sản xuất thấp so với mặt bằng sản xuất chung.
Để kinh tế tập thể trở thành “bà đỡ” thật hiệu quả trong xây dựng NTM, thời gian tới Liên minh HTX Long An tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức xúc tiến việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với HTX sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc thu mua, phân phối, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng hợp tác kiểu mới nhằm xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ để tránh tình trạng thương lái ép giá tại các địa phương.
LONG AN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Nguồn: nongnghiep.vn