Bà Nguyễn Thị Lài (70 tuổi, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), nhớ lại chuyện ngày xưa: “Hồi đó, người dân vùng biển bãi ngang chúng tôi khốn khó lắm. Hàng ngày, chị em phụ nữ lên các triền cát ven biển để tìm cây Sa Sâm để hái lá về làm thức ăn. Hái hết lá thì đào rễ, củ mang về phơi khô nấu nước uống. Bây giờ, có dự án phục hồi lại cây này thì mừng lắm. Bà con lại có việc làm, có thu nhập nên ai ai cũng phấn khởi”.
Cây Sa Sâm…chống đói
Vùng quê biển Hải Ninh như lại rộn ràng hơn về câu chuyện cây rau tự nhiên mang tên Sa Sâm (bà con còn gọi là cây chân vịt). Mấy chục năm về trước, vùng biển còn lắm khó khăn. Trên vùng cát trắng nóng bỏng, dưới cái nắng gắt thì cũng chẳng trồng lên được cay rau màu gì. Để có rau ăn hàng ngày, mấy bà kêu cháu đi ra những đồi cát thoai thoải ven biển để tìm cây Sa Sâm. Giống cây này chịu được khô hạn trên cát. Rễ cắm vào cát sâu đến cả hai gang tay người lớn. Khi đến mùa khô hạn nặng, cây trụi lá, chỉ còn củ, rễ vẫn cứ xuyên sâu xuống lòng đất cát mà chờ đợi. Khi có mưa, từ hốc cây bật mầm rồi 4-5 lá bật lên xanh biêng biếc trên nền cát. Cây nào tốt thì lá cũng dài đến cả gang tay. Bà con tìm đến, ngắt lá mang về nấu canh, xào… để làm thức ăn thay cho rau xanh, đỡ thêm đói lòng khi trên mâm chỉ có nồi cơm nhỏ mà người nhà thì đông. Bà Lài bảo: “Khi đó, nhà ai cũng tranh thủ kiếm lá Sa Sâm về làm thức ăn phụ thêm, cũng để mà chống đói chứ cơm khoai có đâu nhiều cho no bữa”.
Dần dà, người đi hái Sa Sâm nhiều lên và cây cứ cạn kiệt dần đi. Đến một ngày, cái thứ cây dại mà ngon ấy tự nhiên biến mất. Trên cồn cát cũng chẳng còn, trên bờ thoải ven biển cũng không thấy. Hoạ hoằn người ta mới nhìn thấy cái lá xanh đậm hình chân vịt thấp thoáng lẫn sâu vào trong lùm cây dưa dại um tùm mọc bên bờ suối hay dưới chân động cát. Năm lại qua năm, hình bóng cây Sa Sâm như vụt đến, vụt đi trong ký ức của người dân vùng biển…
Cho đến một hôm, Hội Phụ nữ xã Hải Ninh được hỗ trợ thành lập dự án “Mô hình tổ phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh”, để phục hồi, thuần hóa, nhân giống cây bản địa quý này. Chị Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Ninh cho hay, dự án do Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình tổ chức, tận dụng vùng đất cát đưa cây Sa Sâm hoang dại đã bị “thất truyền” về gây giống và trồng trong vườn nhà. “Sau khi được Hội Phụ nữ xã vận động, nhiều chị, mẹ đã nhiệt tình tham gia. Các thành viên đã được tham gia các lớp tập huấn về cách làm đất, lên luống, làm nhà lưới, chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế. Chỉ sau 6 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho chị em phụ nữ. vùng biển bãi ngang chúng tôi” – Chị Nhâm tâm sự.
“Rau” Sa Sâm cho…tiền triệu
Là những thành viên lớn tuổi, nhưng lại đi đầu trong việc tìm và nhân giống cây Sa Sâm, các bà Nguyễn Thị Lài và Nguyễn Thị Hợp (ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh), đã tạo dựng được vườn giống, vườn thâm canh và đã có thu nhập khá từ cây hoang dại này.
Từ những cây giống tìm được trong những bụi dứa dại, bà Lài, bà Hợp đã che chắn, vun trồng để có thêm giống nhân rộng ra thành luống, thành vườn.
Trên diện tích 100m2 ban đầu, bà trồng thử nghiệm 3.000 cây Sa Sâm để bán giống. Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, bà Hợp thường xuyên tưới nước và vun cát. Sau 2 tháng, vườn ươm nhà bà Hợp cung cấp trên 5.000 cây giống đạt tiêu chuẩn để cung ứng cho các thành viên khác. Bà Hợp cho hay: “Với giá bán 1 nghìn đồng/cây, nhà tôi thu về được hơn 5 triệu đồng. Đây là những đồng tiền đầu tiên mà tôi có được từ cây Sa Sâm và mở hướng phát triển ra diện rộng cho dự án này. Ngoài vườn ươm cây giống, tôi còn mở rộng diện tích trồng thêm hơn 2.600 cây Sa Sâm để bán lá”.
Thời điểm này, vườn Sa Sâm nhà bà Mai Thị Quýt (thôn Cừa Thôn), đang bước vào thời kỳ thu hoạch lá. Sau khi tham gia lớp tập huấn, hiểu được giá trị nên bà quyết định tham gia mô hình trồng cây Sa Sâm. Trên diện tích khoảng 300m2, bà Quýt trồng hơn 4.000 cây Sa Sâm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt, chỉ trong vòng 4 tháng, bà thu hoạch trên 80kg lá sa sâm, với giá bán 60 nghìn đồng/1kg lá, cho thu nhập gần 6 triệu đồng. Bà Quýt bảo: “Từ nhỏ lớn lên, tôi chưa thấy được cây rau màu gì trồng được trên cát mà cho thu nhập tiền triệu trừ cây khoai lang. Mà khoai lang thì phải có nhiều đất mới trồng được. Bây giờ thì cây Sa Sâm mới cho bà con thu nhập tiền triệu”.
Để mở rộng và phát triển mô hình trồng cây Sa Sâm, Hội LHPN xã Hải Ninh đã thành lập “Tổ hợp tác Phụ nữ bảo tồn Sa Sâm bản địa trên vùng cát Hải Ninh”, với 35 thành viên. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên được các chuyên gia kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật tại vườn về cách làm đất, lên luống, làm nhà lưới, chọn giống, chọn cây, hướng dẫn cách chăm sóc và thu hoạch theo hướng hữu cơ.
Bà Nguyễn Thị Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Ninh cho hay: “Hiện tại, có 15 thành viên trong Tổ hợp tác đã tham gia trồng cây Sa Sâm trên cát với diện tích gần 3.000 m2. Cho đến nay, các hộ đã thu hoạch lá với sản lượng gần 170 kg lá tươi đưa ra thị trường. Với giá bán 80.000 đồng/kg, bước đầu mang lại thu nhập khá ổn định. Không những đảm bảo rau sạch hàng ngày mà chị em còn khai thác củ, rễ phơi khô, xay mịn làm trà túi lọc hay dùng rễ phơi khô ngâm rượu bồi bổ sức khoẻ rất tốt”.
Sản phẩm từ cây Sa Sâm đã có bao bì nhãn mác riêng và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm đã được thu mua và bán tại các cửa hàng rau sạch An Nông, cửa hàng Đông Dương, Từ Tâm Garden với giá từ 60.000đ – 80.000/kg, đã kết nối mở rộng giới thiệu ra thị trường Hà Nội và đã có mặt tại một số nhà hàng trên địa bàn. Phần thân Sa Sâm (ngòng) phơi khô được Tổ hợp tác thu mua (200.000đ/kg) sao vàng, sơ chế thành trà túi lọc. Củ Sa Sâm sau 1 năm mới thu hoạch cũng đã được kết nối với các đơn vị, nhà thuốc đông y để giải quyết đầu ra cho người dân yên tâm trồng, bảo tồn Sa Sâm và đảm bảo tính bền vững của mô hình.
Với mong muốn đưa thương hiệu giống cây dược liệu quý này trở thành sản phẩm mới, đặc thù, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương, chính quyền xã Hải Ninh vận động, khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng diện tích đất cát bỏ hoang để mở rộng diện tích trồng Sa Sâm. Ông Phan Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho hay, đồng thời đẩy mạnh công tác nhân giống, hình thành vùng nguyên liệu tập trung.
“Chúng tôi sẽ hướng đến việc kết nối thị trường với các doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Sa Sâm Hải Ninh đến với đông đảo người dân trên địa bàn, trong nước và quốc tế. Hy vọng, đây sẽ là bước đột phá trong tạo việc làm, có thu nhập ổn định lâu dài cho người dân vùng biển bãi ngang chúng tôi”, ông Mai Quốc Khánh hy vọng.
Hiện nay ở một số nơi, các vị thuốc đông y dùng thay vì sa sâm trước đây nhập của Trung Quốc (xem ở những vị sa sâm khác) làm thuốc chữa bệnh ho, trừ đờm, chữa sốt. Liều dùng 6 – 12g một ngày dưới dạng thuốc sắc, phối hợp với các vị thuốc khác.
Có nơi nhân dân hái lá về ăn sống như rau xà lách và chữa bệnh tạng bạch huyết (lymphatisme). Có khi người ta dùng rễ phơi khô sao vàng sắc đặc uống cho mát phổi (giải nhiệt) có tác dụng nhuận và thông tiểu.
Theo tài liệu “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS – TS Đỗ Tất Lợi; NXB y học năm 2006. Cây Sa Sâm còn gọi là pissenlit maritime, salade des dunes. Tên khoa học: Launaea pinnatiffda Cass (Microhynchus sarmentosus DC. Prenanthes sarmentosa Willd). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae). Sa = cát, sâm = sâm vì vị thuốc có công dụng như sâm mà lại mọc trên cát.
Nguồn: nongnghiep.vn