Nắng tháng Giêng hong khô giọt mồ hôi trên đồng ruộng
Một mùa xuân mới lại về trên những bản làng vùng cao của huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), mang theo hơi thở mới của đất trời, của hy vọng về một mùa vụ mới ấm no. Khắp các cánh đồng thoai thoải nằm gọn gàng giữa các thung lũng hay các thửa ruộng bậc thang cheo leo trên triền núi, trong tiếng chim hót lảnh lót mỗi sớm mai, nông dân đã bắt đầu một mùa vụ mới.
Chẳng chờ những ngày lễ hội kéo dài, họ vội vã trở lại với nhịp sống lao động quen thuộc. Trên khắp các cánh đồng, họ cùng nhau gieo những mầm xanh ngay trong những ngày đầu năm mới.
Vụ xuân 2025, huyện Lâm Bình phấn đấu gieo cấy hơn 1.135ha lúa, trồng 599ha ngô, một con số không hề nhỏ đối với địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn. Người dân Lâm Bình không sợ vất vả, họ chỉ sợ không có đủ thời gian để làm hết những công việc cần làm. Những đôi tay chai sạn không quản sương gió, họ quan niệm rằng, chỉ cần có quyết tâm và niềm tin, đất trời sẽ không phụ lòng người.
Bầu trời tháng Giêng trong veo, những vệt nắng vàng nhảy nhót trên từng ruộng mạ còn non mơn mởn. Trên cánh đồng của xã Minh Quang, chị Ma Thị Chức cùng gia đình đã tất bật xuống đồng từ khi trời còn chưa sáng tỏ. Đôi bàn tay rám nắng thoăn thoắt kiểm tra từng ruộng mạ, làm đất, chuẩn bị mọi điều kiện để chuẩn bị cấy vụ xuân, gửi vào đất mẹ những giấc mơ no đủ.
“Phải hoàn thành cấy đúng lịch thời vụ để đảm bảo cây lúa, cây ngô bén rễ trước khi mùa mưa đến. Mỗi hạt giống gieo xuống là một mong ước, một lời cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu”, chị Chức chia sẻ.
Bà Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (huyện Lâm Bình) cho biết: Người dân xã Phúc Sơn cũng như các địa phương khác ở huyện Lâm Bình rất chịu khó, rất kiên trì. Họ bám đất, bám ruộng như một phần máu thịt của mình. Chính vì thế, mỗi mùa vụ không chỉ là một kế hoạch sản xuất, mà còn là câu chuyện của sự sống, của bao thế hệ cha ông để lại.
“Ngay từ đầu năm, bà con đã tập trung gieo cấy lúa, xuống giống lạc, ngô. Nhân dân trên địa bàn xã đều rất phấn khởi thi đua lao động sản xuất trong những ngày đầu xuân”, bà Lý cho hay.
Năm 2025, huyện Lâm Bình phấn đấu nâng tổng sản lượng lương thực đạt trên 25 nghìn tấn. Trong đó thóc 19.221 tấn, ngô 6.173 tấn. Để đạt đươc chỉ tiêu trên, ngay từ những ngày đầu năm mới, các địa phương trong huyện đã tuyên truyền, vận động bà con tập trung ra đồng gieo trồng, chăm sóc diện tích cây trồng vụ xuân theo khung thời vụ nhằm tạo tiền đề để bố trí sản xuất được cả 3 vụ trong năm. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện cũng đã chủ động phổ biến, hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, phấn đấu đạt được cả về năng suất và sản lượng đã đề ra.
Bảo vệ “đầu cơ nghiệp”
Không chỉ lo chuyện đồng áng, bà con Lâm Bình còn canh cánh trong lòng chuyện bảo vệ đàn vật nuôi trước những ngày rét hại của tháng Giêng. Ở những xã, thị trấn của huyện Lâm Bình, mỗi con trâu, con bò không chỉ là tài sản mà còn là “đầu cơ nghiệp”, là cả một gia tài mà bao nhiêu năm người dân dành dụm, chắt chiu mới có được.
Ngay từ những ngày giáp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, bà Ma Thị Luyến ở thôn Nà Tớng, xã Minh Quang đã tất bật che chắn chuồng trại, chuẩn bị rơm khô, thức ăn dự trữ cho đàn trâu của mình. Nhiều năm nay, bà con ở huyện Lâm Bình hiểu rằng, nếu không chăm lo đàn trâu bò cẩn thận, một đợt rét đậm cũng có thể khiến bao công sức tan biến.
Bà Ma Thị Luyến, người phụ nữ có bàn tay thô ráp bởi năm tháng gắn bó với nương rẫy vừa xoa nhẹ lên bộ lông dày của con trâu già vừa chia sẻ: “Trước dự báo không khí lạnh trong dịp Tết, gia đình tôi đã chuẩn bị cỏ voi, lấy lá ngô để xay rồi ủ dự trữ cho trâu ăn. Bên cạnh đó, lấy bạt quây hết xung quanh chuồng trâu để đề phòng rét hại. Trâu có no, có ấm thì mới đủ sức cùng mình cày cuốc, làm ra cái ăn cho cả nhà”.
Mùa đông vùng cao lạnh cắt da cắt thịt, rét hại vùng cao có thể khiến cây cối, gia súc chịu tổn thất nặng nề nếu bà con không kịp thời bảo vệ. Nhận thức được điều đó, UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với cán bộ thú y các xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp chống rét cho vật nuôi.
Toàn huyện Lâm Bình hiện có hơn 36.000 con gia súc và đều được theo dõi sát sao, đảm bảo không xảy ra thiệt hại đáng tiếc. Ông Ma Đình Quan, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết: “Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã ban hành phương án cũng như các văn bản chỉ đạo, vận động nhân dân chủ động trong công tác phòng chống đói rét cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, chỉ đạo các thôn bản, tổ chức họp dân để tuyên truyền, đảm bảo chuồng trại cho đàn gia súc ấm áp, không để gia súc chết rét trong dịp Tết Nguyên Đán”.
Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lâm Bình chia sẻ: “Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi và cây trồng, đặc biệt là trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Chúng tôi nhấn mạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn, tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đồng thời chủ động che chắn chuồng trại để giữ ấm cho đàn gia súc. Bà con cũng được khuyến cáo tuyệt đối không chăn thả khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C và không sử dụng trâu, bò để kéo cày trong những ngày giá rét kỷ lục”.
Có thể thấy, công tác phòng chống đói rét cho gia súc giờ đây đã trở thành một phần trong đời sống của người dân vùng cao. Không ai chờ đợi đến khi thiệt hại xảy ra mới tìm cách khắc phục. Chính sự chủ động, cộng với những nỗ lực hướng dẫn sát sao từ chính quyền địa phương đã giúp đàn gia súc của Lâm Bình bước qua những ngày giá rét một cách an toàn, tiếp tục đồng hành cùng bà con trên hành trình làm nông nghiệp nơi đại ngàn hùng vĩ.
Lâm Bình mỗi mùa xuân là một bản hùng ca của những con người bình dị mà kiên cường. Mùa xuân ấy không chỉ có tiếng khèn gọi bạn, không chỉ có những lễ hội rộn ràng ngày đầu năm mà còn là mùa xuân của những cánh đồng mạ non xanh biếc, của những đàn trâu đủng đỉnh bước đi giữa bạt ngàn nương rẫy. Là mùa xuân của những người nông dân chân lấm tay bùn nhưng trái tim lúc nào cũng hướng về tương lai, về những mùa vàng bội thu.
Mùa xuân rồi sẽ đi qua, những cơn gió lạnh cuối cùng của tháng Giêng cũng sẽ dịu lại. Nhưng ở Lâm Bình, những con người chất phác vẫn miệt mài, vẫn kiên trì trên mảnh đất quê hương để mỗi năm xuân về, họ lại có thêm một mùa vàng, một mùa no đủ từ chính đôi tay mình. Và đó chính là mùa xuân đẹp nhất, mùa xuân của lao động, sản xuất.
Nguồn: nongnghiep.vn