Trước đây, “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai khá đau đầu trong quản lý, tuyên truyền người dân không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi. Từng có thời gian, thuốc kháng sinh “đắt như tôm tươi” tại tỉnh này. Người chăn nuôi chỉ cần ra cửa hàng vật tư nông nghiệp, thuốc thú y là có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh, thậm chí với số lượng lớn.
Với quan niệm “người sao, lợn gà vậy”, nhiều người dùng cả kháng sinh của bản thân với liều lượng cao cho vật nuôi uống. Một trong số đó là loại thuốc âm bi (Ampicillin 500mg) “thần thánh”, nhiều lão nông cho rằng, gà cứ có dấu hiệu bệnh nếu uống là sẽ khỏe ngay.
Tệ hơn, nhiều hộ chăn nuôi còn sử dụng kháng sinh với mục đích tăng sức đề kháng cho vật nuôi và kích thích tăng trưởng. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai chỉ rõ, trước đây, không ít hộ chăn nuôi đã trộn thuốc trong cám phòng bệnh cho đàn lợn, gà. Thói quen không chỉ đẩy chi phí chăn nuôi lên cao hơn mà có hại cho lợn, gà và cả sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai đã thực hiện nhiều biện pháp giải quyết, từ kiểm soát tại các cửa hàng thuốc thú y, tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn cho người dân và kí cam kết không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
“Hiện nay, sau một thời gian dài tuyên truyền và giám sát, tình trạng sử dụng kháng sinh để kích thích tăng trưởng đã không còn. Tuy nhiên, việc người chăn nuôi tự ý sử dụng kháng sinh cho vật nuôi mà không tham vấn ý kiến của thú y cơ sở vẫn còn. Với cơ sở chăn nuôi lớn, điều này cũng gây khó khăn cho lực lượng chuyên môn”, bà Mai trao đổi.
Tuy nhiên, thời tiết bất thường, dịch bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa dễ xảy ra nên không tránh khỏi việc phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo người dân nên dùng đúng, đủ kháng sinh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
“Thuốc kháng sinh chỉ nên dùng trong trường hợp đàn gia súc, gia cầm bị bệnh. Nếu không nắm rõ nguyên tắc, cần tham vấn với cán bộ thú y và cho vật nuôi sử dụng đủ ngày. Còn lại không nên dùng để phòng bệnh vì về lâu dài, sử dụng kháng sinh quá nhiều có thể gây kháng thuốc”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai trao đổi.
Kháng sinh bị cấm sử dụng với mục đích kích thích sinh trưởng trong chăn nuôi từ năm 2018 và sẽ bị cấm hoàn toàn với mục đích phòng bệnh trong chăn nuôi kể từ ngày 1/1/2026. Theo đó, kháng sinh sẽ chỉ được dùng để điều trị bệnh động vật khi vật nuôi được chẩn đoán mắc bệnh và việc dùng phải theo đơn thuốc của người được phép kê đơn thuốc thú y.
Kháng sinh là loại thuốc thú y quan trọng, không thể thiếu trong chăn nuôi. Không phủ nhận, kháng sinh đảm bảo sức khỏe vật nuôi trước những tác nhân gây hại. Đó cũng là quyền của vật nuôi để được đảm bảo về phúc lợi động vật. Kháng sinh không chỉ giúp phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi mà còn giúp chúng tránh được những cơn đau đớn hoặc giảm tỉ lệ tử vong không đáng có.
Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ kiến thức để sử dụng kháng sinh đúng cách. Do đó, vì thiếu thông tin cần thiết, sử dụng quá liều lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.
Theo TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, kháng sinh không phải là “thuốc tiên” trong chăn nuôi. Đã đến lúc người chăn nuôi cần ý thức rõ hơn về con dao 2 lưỡi này. Nếu không thật sự ý thức hết các công dụng lẫn hậu quả thì không nên sử dụng kháng sinh bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người Việt, cũng như tự chặt đứt nhiều cơ hội để phát triển chăn nuôi.
“Chúng ta đã có hệ thống văn bản hướng dẫn, xử phạt các vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật trong sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đã đến lúc chúng ta nên quản lý chặt việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Chúng ta đã kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất thức ăn, cửa hàng thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi… nhưng có lẽ cần phải tăng cường, chặt hơn nữa ở tuyến cơ sở”, TS Hạ Thúy Hạnh chia sẻ.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang trở thành vấn đề quan ngại hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu không được kiểm soát tốt thì kháng kháng sinh sẽ trở thành đại họa mới của nhân loại. Trong khi đó, ngoài việc kiểm soát việc người bệnh tự ý sử dụng kháng sinh thì khống chế kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản được coi như biện pháp bền vững.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi Hội Truyền nhiễm TP.HCM, để thể hiện tầm quan trọng của kháng kháng sinh, WTO đã đưa ra khẩu hiệu “không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Kháng kháng sinh đang diễn ra cực kỳ phức tạp tại các nước, trong đó có Việt Nam.
“Đã đến lúc tăng cường các chương trình giáo dục và truyền thông thay đổi nhận thức để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kháng sinh trong ngành y tế, chăn nuôi, thú y và cộng đồng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo Bộ Y tế, đến năm 2050, sẽ có khoảng 10 triệu người có thể tử vong mỗi năm do kháng thuốc. Trong đó, có 89% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình – thấp. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả, xu hướng này sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Tình trạng kháng kháng sinh còn làm tăng chi phí điều trị của người bệnh và là gánh nặng của xã hội.
Nguồn: nongnghiep.vn