Làng quê “thay da đổi thịt” nhờ xuất khẩu lao động
Ít ai nghĩ được rằng, tại Mường Lát – huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa – lại xuất hiện “khu phố nhà giàu” ở xã Quang Chiểu. Quay lại khoảng 10 năm về trước, toàn xã Quang Chiểu (Mường Lát) có hơn 1.000 hộ dân, hầu hết thuộc diện nghèo, cận nghèo, trong đó có tới 90% dân số sinh sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh.
Tỷ lệ hộ nghèo ở Quang Chiểu giảm từ 78% (năm 2010) xuống còn hơn 20% (năm 2023), và giờ đây chỉ còn hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo; toàn xã có khoảng 200 căn nhà khang trang kiên cố có giá từ 700-800 triệu đồng. Tất cả là nhờ xuất khẩu lao động.
Theo UBND xã Quang Chiểu, hiện nay, cả 13 bản của Quang Chiểu đều có người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản với tổng số 249 lao động, đông nhất là bản Pùng, bản Xim.
Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, cho biết, trong vài năm qua, lượng tiền đóng góp của người dân thông qua xã hội hóa để thực hiện các công trình xây dựng cơ bản đã lên tới hơn 10 tỷ đồng. Tại 13 bản của xã Quảng Chiểu, đường thôn, xã được bê tông hóa kiên cố với tổng chiều dài 50km; 8 bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các bản này đều có số lao động xuất khẩu khá đông. Tính đến tháng 7/2024, số tiền lao động xuất khẩu gửi về địa phương đạt hơn 60 tỷ đồng.
Không chỉ riêng xã Quang Chiểu, nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa cũng “thay da đổi thịt”, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Theo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước, địa phương có hơn 800 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở 3 thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Thu nhập bình quân của các lao động ở nước ngoài đạt từ 30-35 triệu/người/tháng. Đối với những lao động có tay nghề như cơ khí, xây dựng, mức thu nhập cao hơn, từ 40-45 triệu đồng/người/tháng. Nhiều lao động sau khi trở về nước đã dùng đồng vốn tích cóp được, phát triển cơ sở sản xuất, tạo nguồn thu ổn định cho kinh tế hộ gia đình.
Thanh Hóa cũng là địa phương đứng đầu cả nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận. Năm 2023, tỉnh đưa hơn 15 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện tại, tổng số lao động của tỉnh Thanh Hóa đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài là trên 40 nghìn người, tập trung chủ yếu ở các thị trường như Nhật Bản, với 15 nghìn lao động; Đài Loan (Trung Quốc), với 14 nghìn lao động; Hàn Quốc, với 8 nghìn lao động.
Hằng năm, số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về ước khoảng 345 triệu USD (tương đương gần 8,3 nghìn tỷ đồng). Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
“Phép thử” từ đại dịch Covid-19
Thanh Hóa là địa phương có quy mô dân số đứng thứ 3 cả nước. Hằng năm, toàn tỉnh có hàng trăm nghìn người đến tuổi lao động, cùng với đó là số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường về tỉnh tìm việc làm; người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hết hạn về nước… đều có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Số lượng lao động đến tuổi lao động càng lớn đồng nghĩa với việc áp lực về việc làm càng cao. Đặc biệt, thị trường lao động Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi dịch bệnh Covid-19 và sự ảm đạm của nền kinh tế sau đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp bị mất hoặc sụt giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động trong cả nước phải ngừng việc, ảnh hưởng tới thu nhập, đời sống. Tỉnh Thanh Hóa cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Chỉ tính riêng trong quý 4/2022, tại Thanh Hóa đã có hàng nghìn lao động bị cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập từ tác động của suy thoái kinh tế sau dịch.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động sau dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế là đòi hỏi cấp thiết không chỉ đối với người lao động mà còn là trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội của chính quyền các địa phương. Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương trên địa bàn tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc làm, ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã chủ động, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc nhiều lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động.
Cụ thể như: Chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, xây dựng phương án sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm… Đồng thời, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng;
Hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật lao động; Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn cắt giảm hoặc cho thôi việc nhiều người lao động để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp;
Tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến.
Bên cạnh đó, nhằm giúp người lao động tìm kiếm việc làm ổn định, tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch liên kết lao động với các tỉnh, trong đó đã ký hợp đồng với nhiều tỉnh để tuyển dụng lao động. Tổ chức phiên giao dịch việc làm, xây dựng website sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho sinh viên mới ra trường qua hình thức đến trực tiếp các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh để gặp gỡ, tư vấn, trao đổi thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời định hướng việc làm.
Ước tính, giai đoạn từ năm 2021-2023, tỉnh Thanh Hóa đã tạo việc làm cho hơn 185 nghìn lao động. Trong đó, có hơn 42,3 nghìn lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch Covid-19 được tạo việc làm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hơn 26 nghìn lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ cho trên 10 nghìn dự án vay vốn giải quyết việc làm, giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 20 nghìn lao động…
Tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới cho người lao động
Trong những năm qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tham mưu, hướng dẫn và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về việc làm; chủ động triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung, người lao động nói riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, nhất là doanh nghiệp và người lao động tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, kịp thời nhất các chính sách, pháp luật về việc làm.
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách về việc làm, giai đoạn 2020-2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 252 nghìn lao động, vượt 3,3% kế hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, trong đó giảm tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông – lâm – ngư nghiệp (từ 41,3% xuống còn hơn 30%); tăng tỷ lệ lao động làm việc trong ngành công nghiệp – xây dựng (từ 33,3% lên 41,6%), trong ngành dịch vụ (từ 25,4% lên 27,8%); giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (từ 3,2% xuống 2,8%); giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn (từ 6,2% xuống 5,8%). Đồng thời, tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 3 nghìn thanh niên, giúp họ có thể tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.
Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi tạo việc làm, nguồn vốn được đầu tư đến tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đã cho vay hơn 2 nghìn tỷ đồng với hơn 30 nghìn lượt người lao động được vay vốn.
Tính đến tháng 9/2024, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã chỉ đạo tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố với 266 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8,7 nghìn lượt người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho gần 1,3 nghìn lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề.
9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 48,8 nghìn lao động, đạt 84,1% kế hoạch năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ tạo việc làm mới cho khoảng 62 nghìn lao động, vượt 6,9% kế hoạch đề ra, trong đó đưa khoảng 12 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gấp 2, lần kế hoạch đề ra; qua đó, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 2,65%, tương ứng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5,65%, tương ứng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, để thực hiện được các mục tiêu về lao động, việc làm đã đề ra, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động gắn với giải quyết việc làm. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.
Đồng thời, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Tăng cường nguồn vốn cho quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho người lao động, tăng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường trung cấp, trường cao đẳng đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp; đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay…
“Người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức, kỷ luật nên khi về nước có cơ hội việc làm và tự tạo việc làm tốt hơn. Nhiều người lao động sau khi hồi hương đầu tư vào sản xuất, kinh doanh… góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm, phát triển kinh tế, xã hội địa phương”, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thông tin tại hội nghị giới thiệu chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức phi lợi nhuận cho người lao động các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát.
Nguồn: nongnghiep.vn