Lâm Đồng có 234 chuỗi liên kết trồng trọt và chăn nuôi
Ngày 22/12, tại TP.HCM, Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở chế biến nông sản tỉnh Lâm Đồng với các DN, hệ thống phân phối nông sản tại TP.HCM.
Ông Hoàng Sỹ Bích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như cà phê, chè, rau củ, cây ăn quả, hoa, dâu tằm, chăn nuôi… Đặc biệt, tỉnh quan tâm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong nước và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu.
Toàn tỉnh có 234 chuỗi trong trồng trọt và chăn nuôi, với trên 31.000 hộ liên kết. Trong đó, diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP… trên 7.500 ha.
Cũng theo ông Bích, công nghiệp chế biến nông sản thời gian qua đã được quan tâm phát triển, tuy nhiên chưa đạt như kỳ vọng, nhiều dự án chế biến chưa được triển khai… Năm 2023, sản lượng nông sản qua sơ chế, chế biến đạt 73% tổng sản lượng toàn tỉnh, trong đó sản lượng qua chế biến đạt khoảng 23%.
“Từ năm 2017 đến nay, Sở NN-PTNT Lâm Đồng và BQL ATTP TP.HCM đã ký kết hợp tác về việc phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn.
29 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TP.HCM
Đến nay có 70 cơ sở sản xuất, sơ chế rau củ quả các loại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang cung cấp cho các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại TP.HCM. BQL ATTP TP.HCM đã xác nhận 29 cơ sở sản xuất sơ chế rau củ quả được cấp giấy chứng nhận chuỗi ATTP. Sản lượng rau củ quả đạt hơn 38.100 tấn/năm, trái cây hơn 1.000 tấn/năm, trà 60 tấn/năm”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng thông tin.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2016 đến nay, đã phối hợp với TP.HCM lấy hơn 4.800 mẫu rau củ quả kiểm tra. Kết quả, có 4.760 mẫu đạt, chiếm 99%; 48 mẫu không đạt về dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giới hạn cho phép (chiếm 1%).
Riêng 29 cơ sở tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với TP.HCM, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giám sát quy trình, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, thu gom tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng… Năm 2017, đã giám sát 68 lần với số mẫu lấy để phân tích định tính là 930 mẫu, kết quả 2/930 mẫu rau không đạt về dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng giới hạn cho phép (chiếm 0,2%).
Ông Bích cho rằng, với sự phối hợp giữa hai đơn vị đã từng bước hình thành một số chuỗi cung ứng rau cung cấp ổn định cho TP.HCM. Quá trình giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông thủy sản giữa hai tỉnh trong quá trình sản xuất, lưu thông được phối hợp hiệu quả, kịp thời.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận, hoạt động hợp tác giữa hai địa phương còn chưa thực sự toàn diện, hầu như mới chỉ tập trung trong lĩnh vực quản lý, kiểm soát chất lượng nông, lâm thủy sản. “Sản lượng nông lâm tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ tại TP.HCM chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng và lợi thế về thị trường tiêu thụ của TP.HCM”, ông Hoàng Sỹ Bích nêu.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng BQL ATTP TP.HCM cho biết, nông sản thực phẩm của tỉnh Lâm Đồng đã trở thành thương hiệu gần gũi với người dân thành phố.
“TP.HCM có 3 chợ đầu mối tập trung hầu hết các nông sản, thực phẩm các tỉnh thành. Trong đó, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức chuyên về rau củ quả, các mặt hàng Đà Lạt chiếm thị phần rất lớn. Nhưng làm sao có thể nhận biết sản phẩm chất lượng của Đà Lạt và chống gian lận thương mại là điều chúng tôi rất trăn trở.
Tại các chợ đầu mối, thực phẩm được công bố rõ nguồn gốc nhưng khi tiểu thương mua về các chợ lẻ để bán thì có sự nhập nhằng, pha trộn hay không? Điều này rất khó để nhận biết.
Với trách nhiệm của mình, Ban luôn kịp thời phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng và những hành vi gian lận. Tuy nhiên, hiện nay việc xem nguồn gốc sản phẩm vẫn còn gặp khó, nếu nói đến an tâm 100% thì vẫn còn phải làm rất nhiều”, bà Lan nói và đề nghị, tỉnh Lâm Đồng cần giám sát chất lượng từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế tại nguồn; đặc biệt là cần sơ chế rau củ quả tại nguồn để giảm bớt lượng rác thải đổ về TP.HCM.
Nguồn: nongnghiep.vn