Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu và Bảo tồn Dơi Đông Nam Á lần thứ 5 (SEABCO 2024) vừa được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 26/11. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị quốc tế về bảo tồn dơi.
SEABCO 2024 được phối hợp tổ chức bởi Công ty TNHH Doanh Nghiệp Xã Hội CIM (CIM), Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Loài Nguy cấp (CBES), cùng Đơn vị Nghiên cứu và Bảo tồn Dơi Đông Nam Á (SEABCRU). Hội nghị quy tụ hơn 120 nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn và các nhà hoạt động môi trường đến từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.
SEABCO là hội nghị quan trọng về nghiên cứu và bảo tồn dơi Đông Nam Á, được tổ chức lần đầu vào năm 2007 tại Thái Lan. SEABCO 2024 tập trung vào 4 chủ đề chính. Chủ đề đầu tiên là Sinh thái học và Dịch vụ hệ sinh thái của dơi: vai trò của dơi trong thụ phấn, phát tán hạt giống và kiểm soát sâu bệnh. Chủ đề tiếp theo là Bảo tồn dơi và Biến đổi khí hậu: các chiến lược bảo vệ môi trường sống của dơi trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chủ đề thứ 3 là Tiến hóa và Đa dạng loài: các nghiên cứu mới về phân loại và hệ sinh thái của dơi Đông Nam Á. Chủ đề thứ 4 là Dịch bệnh và Dơi: mối liên hệ giữa dơi và sức khỏe con người, cùng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Tigga Kingston, Giáo sư Đại học Texas Tech (Mỹ), Giám đốc SEABCRU, chia sẻ: “Hội nghị Quốc tế về Nghiên cứu và Bảo tồn Dơi Đông Nam Á lần thứ 5 không chỉ là nơi để chia sẻ những nghiên cứu khoa học tiên tiến mà còn là cơ hội để nhấn mạnh vai trò thiết yếu của dơi đối với hệ sinh thái và đời sống con người. Thông qua hội nghị này, chúng tôi muốn làm nổi bật sự đóng góp to lớn của các loài dơi trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái, hỗ trợ ngành nông nghiệp, và thậm chí là lĩnh vực y học. Đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế hợp lực, trao đổi kiến thức và cùng nhau tìm ra các chiến lược bảo tồn hiệu quả nhất, nhằm bảo vệ những người hùng thầm lặng này trước các thách thức hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng SEABCO 2024 sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của loài dơi”.
Bà Trương Anh Thơ, Giám đốc CIM, Trưởng Ban Tổ chức SEABCO 2024, cho biết: “Là quốc gia chủ nhà lần đầu tiên của SEABCO, chúng tôi tự hào mang đến một sự kiện có sức ảnh hưởng lớn không chỉ về khoa học mà còn về ý nghĩa cộng đồng. SEABCO 2024 không chỉ dừng lại ở một hội nghị khoa học mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam như một điểm đến cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng, thông qua sự kiện này, Việt Nam sẽ không chỉ đóng góp vào công cuộc bảo tồn dơi và hệ sinh thái mà còn xây dựng được mối liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn thế giới. Đây là một hành trình không chỉ để nâng cao nhận thức mà còn thúc đẩy những giải pháp thiết thực, mang lại giá trị lâu dài cho tương lai của chúng ta”.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 1.300 loài dơi, chiếm khoảng 20% tổng số loài động vật có vú. Dơi là một loài động vật vô cùng đặc biệt và có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. Loài động vật này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát côn trùng, đặc biệt là muỗi, và góp phần vào việc phát tán hạt giống, giúp duy trì sự phát triển của nhiều loài cây.
Dơi có tác động lớn đến nông nghiệp và bảo vệ môi trường tự nhiên. Chúng là những “người gieo hạt” tự nhiên, góp phần tái tạo rừng và duy trì sự phát triển của nhiều loài cây. Dơi ăn côn trùng giúp kiểm soát sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu, từ đó bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo ước tính, dịch vụ kiểm soát sâu bệnh của dơi ở Mỹ có giá trị lên đến 53 tỷ USD mỗi năm. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của dơi trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái và bảo vệ nông nghiệp bền vững.
Dơi không chỉ có lợi trong việc bảo vệ nông nghiệp mà còn trong y học, như nghiên cứu về khả năng miễn dịch và hợp chất “draculin” trong nước bọt của dơi ma cà rồng, giúp điều trị các loại thuốc giảm nguy cơ đột quỵ. Dơi cũng là biểu tượng của phúc lành và thịnh vượng trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở Việt Nam.
Tuy nhiên, dơi đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ biến đổi khí hậu, mất môi trường sống đến sự săn bắt và tiêu diệt không cần thiết. Vì vậy, bảo tồn dơi không chỉ bảo vệ loài động vật này mà còn góp phần bảo vệ sự ổn định của hệ sinh thái.
Dơi thuộc bộ Dơi (Chiroptera), có khả năng bay lượn nhờ đôi cánh phát triển từ da, khác biệt so với các loài chim hay côn trùng. Dơi sở hữu hệ thống định vị bằng sóng siêu âm (echo-location), giúp chúng di chuyển và săn mồi trong bóng tối. Dơi cũng có thể sống trong môi trường hang động, tạo thành các quần thể lớn với những tập tính sống phong phú và đặc biệt.
Nguồn: nongnghiep.vn