Biến thứ bỏ đi thành tiền
Anh Nguyễn Hoàng Vững, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang giới thiệu: “Trang trại của anh Giang được đầu tư bài bản, có quy mô lớn và tiên phong trong xã. Với việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín, các chất thải và phế phụ phẩm sẽ được tái tạo, trở thành nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất khác”.
Anh Bùi Tiền Giang ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) có diện tích đất canh tác 1ha. Anh cho biết, trước đây do vùng đất này nhiễm phèn nặng nên nông dân chủ yếu trồng mía và khóm. Sau một thời gian anh quyết định ban bờ liếp ra thành ruộng trồng lúa nhưng thu nhập cũng thấp và khá bấp bênh.
Cách đây 10 năm, anh Giang bắt đầu chuyển đổi mô hình sản xuất với xuất phát điểm là 2 con bò, một con bò cái do gia đình bên vợ cho và anh bỏ tiền mua thêm 1 con bê. Thức ăn thì tận dụng cỏ và rơm sẵn có tại địa phương. Phân bò được tận dụng để nuôi thêm trùn quế rồi lấy phân trùn trồng cỏ tạo nguồn thức ăn xanh tại chỗ cho bò.
Khi có lượng trùn quế nhiều, năm 2017, anh tiếp tục đầu tư nuôi lươn thịt. Sau một thời gian mở rộng thêm khu nuôi lươn bố mẹ sinh sản, vừa tự chủ lươn giống để nuôi, vừa cung ứng ra thị trường.
Theo anh Giang, trùn quế có thể làm thức ăn cho lươn từ lươn con mới nở cho tới lươn thịt. Tuy nhiên, do trùn quế có độ đạm rất cao nên chỉ cho lươn ăn một phần, còn lại vẫn sử dụng thức ăn viên. Riêng đối với khu nuôi lươn, hiện mỗi năm trang trại của anh Giang cung ứng ra thị trường hàng trăm ngàn con lươn giống và từ 1,5 – 2 tấn lươn thịt.
Trên diện tích đất 1ha của gia đình, ngoại trừ phần thổ cư, anh đã đầu tư chuyển đổi thành trang trại sản xuất tuần hoàn gồm chuồng trại nuôi bò, khu nhà nuôi trùn quế rộng 200m2, khu nuôi lươn sinh sản, nhà ương lươn giống và các hồ nuôi lươn không bùn, còn lại lên liếp trồng cỏ, cây ăn trái hữu cơ, dưới mương nước nuôi cá, ốc bưu đen.
Khu chuồng trại nuôi bò thời điểm nhiều nhất lên đến 30 con, gồm nhiều giống bò ngoại và bò lai, vừa nuôi sinh sản vừa nuôi bò thịt hướng nạc. Ngoài cung cấp bê giống cho người dân địa phương, còn lại anh Giang phát triển nuôi bò thịt, bò đực trưởng thành có thể đạt trọng lượng từ 800kg – 1 tấn/con khi xuất bán.
Toàn bộ phân bò được tận dụng để nuôi trùn quế. Anh Giang có sáng kiến xay trùn thịt ngâm với rượu và dùng hỗn hợp này pha loãng với nước cho bò uống hàng ngày hoặc tưới vào rơm cho bò ăn, vừa tăng độ đạm vừa kích thích tiêu hóa. Nước tiểu của bò và nước rửa chuồng trại được thu gom xử lý bằng hầm biogas tạo chất đốt phục vụ sinh hoạt trong gia đình hàng ngày.
Anh Giang cho biết, 1m2 nuôi trùn quế bằng phân bò sẽ cho thu hoạch tối thiểu 1kg trùn thịt/tháng, một phần được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại bán ra thị trường với giá hiện nay là 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm anh còn thu được từ 30 – 40 tấn phân trùn quế, được các nhà vườn trồng cây ăn trái, nông dân trồng rau màu thu mua với giá 2 triệu đồng/tấn.
Giảm 30% chi phí nhờ chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn
Đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, tỉnh Hậu Giang đã có chính sách hỗ trợ, ngành nông nghiệp xây dựng mô hình và chuyển giao, nhân rộng. Ông Lê Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, từ năm 2022, mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” đã được đơn vị triển khai, xây dựng và hỗ trợ, chuyển giao cho nông dân tại các huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ, Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ, thành phố Vị Thanh.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình là hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,22 tỷ đồng, các hộ dân tham gia mô hình đối ứng 1,08 tỷ đồng. Việc triển khai thực hiện mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” được nhiều bà con nông dân quan tâm, quy trình thực hiện có tính liên kết, tuần hoàn, tận dụng tối đa chất thải làm nguyên liệu đầu vào, giảm chi phí sản xuất.
Tham gia mô hình, nông dân được chọn các chuỗi sản xuất tuần hoàn gồm: Nhóm nuôi bò, nuôi trùn quế, trồng cỏ, cây ăn trái, rau màu và nuôi cá, lươn, vịt; nhóm nuôi dê, ủ phân hữu cơ, làm biogas, trồng mít, mãng cầu xiêm, nuôi cá; nhóm nuôi heo sinh sản, heo thịt, làm biogas, ủ phân hữu cơ, trồng cây cảnh, cây ăn trái, nuôi cá. Hộ được ưu tiên chọn tham gia mô hình là thành viên các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác và cam kết áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn.
Kỹ sư Nguyễn Hoàng Chiến (Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang) phụ trách mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” cho biết, đây là mô hình có chi phí đầu tư tương đối thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao nên được rất nhiều bà con quan tâm.
Khi đăng ký tham gia, các hộ được tập huấn kỹ thuật, thực hiện ghi chép nhật ký điện tử (app Nông sản Hậu Giang) và hạch toán chi phí đầu tư trong suốt quá trình sản xuất. Theo đánh giá, “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” giúp nông dân giảm ít nhất 30% chi phí đầu vào cho một số đối tượng trong chuỗi nhờ tận dụng phế phụ phẩm, chất thải theo hướng tuần hoàn. Lợi nhuận trong chuỗi cao hơn 10% so với bên ngoài mô hình, đặc biệt là cải thiện môi trường tốt hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” có tính bền vững, với sự kết hợp giữa đầu vào và đầu ra, tận dụng được chất thải, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên đối tượng chính là bò đạt 16%, dê gần 29% và heo trên 42%. Tuy nhiên, do bò là gia súc lớn, thời gian sinh sản tương đối dài, lợi nhuận sẽ đạt cao từ lứa thứ 3 trở đi.
Ông Trần Văn Sơn ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh là nông dân được chọn tham gia mô hình “Chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn” với đối tượng chính là bò. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và đầu tư chuồng trại, gia đình ông được hỗ trợ 6 con bò giống và thức ăn chăn nuôi bò, trong đó nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại gia đình đối ứng.
Để thực hiện chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ông Sơn đã sử dụng 2.000m2 trồng cỏ voi cho bò ăn, lấy phân bò nuôi trùn quế. Thịt trùn quế được thu hoạch làm thức ăn nuôi lươn, phân trùn quế, phân bò dùng để bón cho khu trồng cỏ, khóm.
Ông Sơn chia sẻ: “Mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn mà khuyến nông triển khai rất phù hợp phát triển kinh tế nông hộ hiện nay, giúp tận dụng được tất cả các nguồn nguyên vật liệu từ đầu ra của sản phẩm này để làm đầu vào cho sản phẩm khác, bảo vệ môi trường tốt hơn”.
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nếu được đầu tư đồng bộ không chỉ giải quyết tốt bài toán ô nhiễm môi trường mà còn giúp giảm đáng kể chi phí đầu vào. Theo tính toán của anh Bùi Tiền Giang, mỗi năm khu trang trại 1ha của gia đình cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng, lợi nhuận đạt từ 40% trở lên nhờ làm kinh tế tuần hoàn và tránh được rủi ro rớt giá so với chỉ sản xuất một loại cây, con thuần túy.
Nguồn: nongnghiep.vn