Những ngày cận Tết, nắng bắt đầu hửng lên. Trên những ruộng hoa ở làng Lý Trạch (xã Lý Nam, Bố Trạch, Quảng Bình), đều có người tỉa nụ, xới gốc hay tưới nước…cho kịp vụ.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nam cho hay, xã Lý Trạch trước đây (nay là xã Lý Nam), có khoảng 120 hộ dân trồng hoa tại 10 thôn. Tùy theo diện tích ruộng hoa mà thu nhập của bà con có từ năm, bảy chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thêm nhiều giống hoa mới
Làng Lý Trạch nằm ven thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), hơn 10 năm nay, bà con đã chuyển đổi từ các loại cây rau màu sang trồng hoa và trở thành “thủ phủ” hoa có diện tích lớn nhất tỉnh. Sau những ngày mưa lạnh kéo dài, những ngày cận Tết, trời đã hửng nắng, người làng Lý Trạch ra ruộng hoa từ sáng sớm để chăm, tỉa mong có vụ hoa bội thu.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoan (ở thôn 10, xã Lý Nam), có mảnh vườn rộng chừng 1.000 m2, chuyên trồng hoa. Ở mảnh vườn thấp thì bà trồng các giống hoa cúc để bán quanh năm ở chợ Đồng Hới. Ở mảnh vườn cao thì chỉ trồng hoa bán vào dịp tết Nguyên đán.
Vụ hoa Tết năm nay, bà Hoan trồng hoa ly nhiều hơn các loại hoa khác. Bà bảo giống ly được mua từ Hà Nội về có thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng. Năm nay, do thời tiết mưa lạnh kéo dài và có cả sương muối nên đã làm cho vườn hoa bị chững lại, không phát triển đều cây.
“Nhưng nhờ gia đình cũng như bà con trồng hoa có kinh nghiệm canh tác và tranh thủ nắng ấm để kích thích cho hoa phát triển nên chắc cũng kịp vụ. Nghe qua thị trường thì giá hoa năm nay cũng ổn định nên bà con cũng mừng. Hy vọng có vụ hoa tết bội thu để đỡ công chăm hoa vất vả”- bà Hoan nói.
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Thành Trung (ở thôn 6), có 6 sào ruộng hoa (500m2/sào). Cũng như nhiều bà con trồng hoa ở Lý Trạch, anh chỉ chuyên trồng một loại giống hoa trên vườn và chủ yếu trồng hoa cúc hay hoa vạn thọ.
Những năm gần đây, gia đình anh và bà con chuyển đổi trồng cùng nhiều loại hoa trên cùng mảnh vườn. Với hình thức vài luống hoa ly xen với hoa lay ơn, hoa thạch thảo hay thược dược. Theo anh Trung, trồng xen vừa dễ tiêu thụ, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và không bị ép giá khi vào vụ. Để hoa tươi tốt, đượm màu, bà con thường bón lót phân chuồng, phân gà và khi hoa được 2 tháng thì bón thêm phân NPK tùy theo từng giống hoa.
Vừa chăm vườn hoa ly, anh Trung vừa cho hay, anh trồng giống hoa ly vàng thơm với khoảng 1.500 cây. “Tôi phải tùy theo thời tiết mà tăng, giảm tưới nước để co kéo hoa kịp Tết. Khách hàng cơ bản đã đặt hết vườn ly với yêu cầu đánh hoa vào chậu, mỗi chậu 5 cây có giá bán 250 ngàn đồng. Vụ hoa tết, gia đình cũng có thu nhập ước khoảng 100 triệu đồng”.
Cũng trồng hoa, nhưng gia đình chị Lê Thị Hà (thôn 10), trồng các loại hoa cúc, trong đó chủ lực là giống cúc vàng cây cao. Buổi sáng, sau khi tưới hoa, chị Hà đi tỉa nụ. Cứ mỗi cây, chị chỉ để lại một nụ, khi hoa đến thời kỳ chuẩn bị bung nở thì phải lồng lưới để giữ màu, tránh côn trùng. Người mua hoa về chỉ cần kéo lưới lồng thì hoa sẽ bung đều rất đẹp. “Hàng năm thì giá hoa cúc này bán từ 8 – 10 ngàn đồng/cây. Chỉ riêng vụ hoa tết, gia đình cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng”- chị Hà bộc bạch.
Đào tiến Vua lên giá
Làng hoa Lý Trạch không chỉ có tiếng về nhiều loại hoa đẹp mà còn là địa phương có nhiều vườn đào đẹp. Trước tế, người sành chơi hoa đào thường đến sớm để ngắm, xem và đặt cọc trước để chủ vườn chăm sóc cho tốt hơn, kịp có cây đào đẹp khi Tết đến, Xuân về.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn 6), có vườn đào cổ thụ quanh ngôi nhà kiểu hiện đại còn tươi màu sơn. Ông cho hay đã trồng đào được gần 20 năm nay. “Đó là khi nhà có được cây đào, dịp Tết, tôi cùng đứa bạn chặt mấy cành vác vào Đồng Hới bán cầu may. Ai ngờ, bán được giá đắt. Từ đó, tôi mới trồng nhiều đào để bán Tết và phong trào trồng hoa đào cũng được phát triển ở Lý Trạch. Hiện, gia đình tôi có khoảng 500 gốc đào các loại. Cây có giá cao cũng được hai, ba chục triệu đồng”- ông Sơn nói thêm.
Bây giờ, Lý Trạch cũng được xem là “thủ phủ” hoa đào của tỉnh Quảng Bình. Ở đây, bà con trồng nhiều loại như đào phai, đào bích (hay còn gọi là đào đỏ), đào thất thốn (hay còn gọi là đào tiến Vua).
Anh Nguyễn Văn Cảnh (thôn 10), có vườn hoa đào cũng đếm được khoảng 800 gốc. Anh cho hay, trồng đào cũng “lắm công phu” vì phải canh thời tiết nắng, mưa ra sao để quyết định hái lá, bấm nụ cho đào nở rực vào ngày 30 Tết mới thành công. Anh đưa chúng tôi đi thăm vườn đào đang chúm chím nụ. Phía mé vườn đồi là vườn đào bung nụ. Có những cây điểm vài nụ hoa sớm màu đỏ tươi, cánh xòe đều.
“Đây là giống đào thất thốn hay bà con còn gọi là đào tiến Vua. Giống đào này đang đắt hàng vì cây luôn có dáng đẹp, nhiều hoa đỏ tươi. Hoa đào này tùy theo cây có giá bán vài triệu đến vài chục triệu đồng”- anh Cảnh nói.
Theo nhiều bà con trồng đào ở Lý Trạch thì ngoài những giống đào từ các địa phương khác đưa về như đào phai, đào thất thốn ở phía Bắc, đào bộp ở vùng núi Nghệ An thì đào bích (giống đào địa phương) vẫn được trồng nhiều. Phần lớn bà con trồng cây non bằng cách gieo hạt hoặc có thể ghép cành. Nếu cây trồng từ hạt thì chăm sóc tốt có thể sau 2 năm là bán được, cây ghép cành thì chỉ sau 1 năm. Tuy nhiên, bà con cũng đưa vào chăm sóc, tạo thế, tạo gốc để bán được giá hơn chứ không bán cây đang non.
Hiện, xã Lý Nam có thôn trồng hoa cung cấp cho thị trường quanh năm với tổng diện tích trên 50ha. Vào vụ hoa Tết diện tích tăng thêm khoảng 10ha. Riêng hoa đào các loại trồng từ 2 năm trở lên cũng được trên 6.000 gốc.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nam, chính quyền địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ bà con trong việc tìm nguồn cung ứng giống chất lượng cao, tìm kiến doanh nghiệp liên kết với bà con để đảm bảo đầu ra ổn định. Đồng thời hỗ trợ bà con trong việc mở các điểm chụp ảnh cho khách du lịch đến ngắm hoa.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nam: “Nghề trồng hoa ở địa phương đã mang lại thu nhập cao cho bà con. Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho xã Lý Nam vững vàng tiến lên xã nông thôn mới nâng cao. Hiện chúng tôi đã hoàn thành 15/19 tiêu chí và phấn đầu hoàn thành mục tiêu nông thôn mới nâng cao vào dịp cuối năm sau”.
Nguồn: nongnghiep.vn