Chuyện rằng vào cuối thế kỷ 17 bà Nguyễn Thảo Lâm đã mang cây cỏ tế về làng Lưu Thượng và chế biến cỏ tế để sản xuất các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, nghề đan cỏ tế dần được mở rộng trong làng và lan tỏa ra các vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ không chỉ trong nước mà cả thị trường quốc tế.
Giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của làng nghề bắt đầu từ những năm 1990, khi thị trường xuất khẩu rộng mở và nhu cầu về sản phẩm thủ công tăng cao. Các thôn như Trình Viên, Đường La, Phú Túc, Tư Sản, Lưu Đông, Lưu Xá, Hoàng Xá đều tham gia vào quá trình sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của làng nghề cỏ tế. Không chỉ giữ vững thị trường trong nước, Phú Túc còn xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước như Đài Loan, Nhật Bản, các quốc gia Đông Âu, châu Âu và Trung Đông. Sự phổ biến và yêu thích của sản phẩm cỏ tế đã giúp tạo dựng thương hiệu Phú Túc trên bản đồ làng nghề Việt Nam.
Đến năm 2023, xã Phú Túc với 8 thôn và 10.224 nhân khẩu đã phát triển kinh tế theo hướng Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó ngành nghề thủ công chiếm khoảng 65%. Hơn 1.700 hộ kinh doanh cá thể và 20 công ty lớn nhỏ đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ trong xã mà còn từ các địa phương lân cận. Khoảng 5.000 lao động đến từ các vùng khác cũng được tuyển dụng, đóng góp vào sự phát triển của làng nghề. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 69,2 triệu đồng/người/năm, với thu nhập ổn định và không có tình trạng thất nghiệp.
Năm 2021 – 2022, các sản phẩm của làng nghề cỏ tế Phú Túc đã được thành phố Hà Nội công nhận 8 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao, nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm. Nhờ vào sự sáng tạo và khả năng đổi mới mẫu mã, sản phẩm từ cỏ tế không chỉ đa dạng về hình dáng mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Đây là thành quả của sự nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân và thợ giỏi tại Phú Túc trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Không chỉ đơn thuần sản xuất mà nghề cỏ tế ở Phú Túc còn được phát triển theo hướng đa giá trị, kết hợp với du lịch trải nghiệm. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của những nghệ nhân từng cọng cỏ tế nhỏ xíu hóa thân thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo như những giỏ đan, nón lá, khay đựng hay những món đồ nội thất. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc Nguyễn Văn Đảm giới thiệu với tôi bằng giọng tự hào, khi đến thăm làng nghề Phú Túc, du khách sẽ có cơ hội khám phá nhiều địa điểm hấp dẫn, gắn liền với văn hóa và nghề truyền thống. Điểm khởi đầu là cổng làng thôn Lưu Thượng, nơi du khách có thể check-in và đỗ xe. Tại tầng 1 của nhà văn hóa thôn, khách được đón tiếp nồng hậu trước khi ghé thăm đình làng – nơi thờ tổ nghề và thành hoàng làng.
Tiếp đó, du khách sẽ được trải nghiệm tại các hộ sản xuất tiêu biểu như nhà anh Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Việt và nhiều hộ khác trong thôn. Các gian hàng trưng bày sản phẩm mây tre đan tinh xảo cũng là điểm nhấn, với sự góp mặt của các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh lớn như Trần Văn Hiến, Nguyễn Thị Diệu hay Công ty XNK Phú Tuấn.
Sau khi tham quan, khách có thể ghé khu ẩm thực, khu vui chơi giải trí tại cánh đồng soi thôn Lưu Đông, hoặc mua sắm giày dép da tại thôn Tư Sản. Không chỉ vậy, các điểm du lịch tâm linh như đình, miếu thôn Lưu Đông, Lưu Xá, Tư Sản, Phú Túc cũng là những điểm đến không thể bỏ qua. Nếu muốn nghỉ ngơi, du khách có thể chọn Nhà nghỉ Xuân Yêu Thương tại thôn Trình Viên, xã Phú Túc.
Phú Túc hôm nay, với nền tảng vững chắc từ lịch sử, không chỉ là nơi sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao mà còn là điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn. Các làng nghề như Lưu Thượng, Tư Sản, Lưu Đông, và Lưu Xá… đều có những di tích lịch sử cấp thành phố, góp phần thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm, vừa là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Sự kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại đã tạo nên dòng chảy phát triển không ngừng của làng nghề cỏ tế Phú Túc. Những thành công ngày hôm nay là kết quả của truyền thống, tâm huyết và sự sáng tạo của các thế hệ nghệ nhân, đồng thời mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Trưởng thôn Lưu Thượng, ông Nguyễn Văn Viễn, chia sẻ: “Đình làng Lưu Thượng được xây dựng từ lâu đời, thờ Thành Hoàng làng và cụ tổ nghề. Trải qua bao biến cố lịch sử, đình đã được tu sửa nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 1937. Đình không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của cộng đồng.”
Nguồn: nongnghiep.vn