Xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên là làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng ở Hải Phòng, đã có cách đây hàng trăm năm. Về đây vào dịp cuối năm Giáp Thìn 2024, ấn tượng nhất là cảnh người người, nhà nhà tất bật với công việc rọc lá, vo gạo, ngâm đỗ xanh để gói bánh chưng, phục vụ thị trường Tết.
Trước đây, cả xã có hàng trăm hộ gói bánh rồi đưa ra chợ bán quanh năm nhưng đến nay chỉ còn 5 cơ sở lớn. Hàng ngày, những cơ sở này đưa ra thị trường hơn 500 chiếc bánh chưng nhỏ với mức giá 20.000 – 30.000 đồng/chiếc. Còn vào dịp Tết Nguyên đán, hầu như các hộ dân ở thôn Bấc 2 tất đều ‘đỏ lửa’, làm bánh phục vụ nhu cầu thị trường và người thân với giá từ 70.000đ-100.000đ/1 chiếc, cỡ to hơn.
Không chỉ được tiêu thụ trong nước, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng nghìn chiếc bánh chưng Thủy Đường đã theo chân các Việt kiều đem hương vị Tết cổ truyền quê hương tới cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài.
Theo người dân địa phương, đây là nghề cổ truyền, có gia đình đã 5, 6 đời sống bằng hoạt động sản xuất gói bánh chưng để bán. Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Tất Dương, 50 tuổi, trú tại thôn Bấc 2, xã Thủy Đường, đã có 5 đời gắn bó với nghề.
Ông Dương cho biết, do bánh ngon nên hàng năm, cứ qua rằm tháng Chạp là người người đổ về Thủy Đường đặt bánh chưng. Còn từ khoảng 25 tháng Chạp trở đi, hầu hết các nhà đều không dám nhận thêm đơn hàng mới vì sợ làm không kịp.
Để có chiếc bánh chưng ngon cần làm cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu, gói cho đến khi luộc. Gạo sau khi đãi sạch thì sẽ được ngâm trong vòng khoảng 1,5 tiếng, nếu ít hơn thì không ngon, mà nhiều hơn thì sẽ chua. Thịt làm nhân được lựa chọn kĩ càng, phải là ba chỉ loại ngon, mỗi chiếc bánh chỉ cho khoảng 3 lạng thịt.
Lá gói bánh, thường người dân ở đây sẽ chọn lá dong hoặc lá chuối, đỗ đãi sạch vỏ, đồ chín, nặn thành viên nửa lạng. Một chiếc bánh chưng đạt tiêu chuẩn phải được gói chặt tay, vuông thành sắc cạnh, nhân bánh và gạo được chia với tỉ lệ đều nhau.
“Bánh chưng ở đây, tuy chỉ được gói bằng tay nhưng rất vuông, thơm, ngon, xanh rền và để cả tuần cũng không mốc. Dịp tết năm nào tôi cũng làm khoảng 1 vạn chiếc, phải thuê 10 người, trả công 200.000đ/ngày/người để gói. 2 nồi điện, 3 nồi than lúc nào cũng đỏ lửa, trong nhà ngoài ngõ luôn sáng đèn”, ông Dương cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Đường, cứ đến dịp tết là cả xã lại đỏ lửa từ những lò luộc bánh. Nhiều hộ chỉ đến tết mới làm, để gửi cho con cháu ở xa, bạn bè, anh em, là những người đã quen hương vị bánh chưng Thủy Đường. Dịp Tết Nguyên đán 2024, toàn xã ước tính sẽ đưa ra thị trường khoảng 30.000 chiếc bánh chưng để phục vụ thị trường theo đặt hàng của bạn bè, người thân.
Trước kia, bánh chưng thường được luộc bằng bếp củi, còn giờ đây, cùng với xu thế phát triển của thời đại, bánh được luộc bằng bếp điện từ 8 – 10 tiếng. Tuy nhiên, tất cả các công đoạn còn lại, người làm nghề gói bánh chưng ở xã Thủy Đường vẫn theo truyền thống.
Để tạo vị thơm, người dân dùng lá chuối hột lám lớp bên trong, bao ngoài bằng lá dong cho bánh có hình dáng đẹp. Đặc biệt, người dân sẽ không gói bánh bằng khuôn, mà dùng chính đôi tay khéo léo tạo hình vuông vức cho bánh.
UBND xã Thủy Đường dự kiến sẽ tổ chức các buổi trình diễn phục dựng cách gói bánh chưng theo truyền thống vào những dịp giáp Tết. Ngoài gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống của làng nghề, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương, việc làm này cũng sẽ tạo nét riêng độc đáo thu hút khách du lịch.
“Người dân Thủy Đường không bao giờ dùng nước máy, nước giếng khoan hay nước sông để luộc bánh. Xưa nay, bà con chỉ dùng nước mưa hoặc nước ao làng nổi tiếng trong, ngọt. Chính điều này đã tạo hương vị riêng biệt cho bánh chưng Thủy Đường”, ông Công cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn