Xây dựng chuỗi sản xuất bền vững
Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nổi tiếng với nghề làm khô cá đồng – một nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng ĐBSCL. Những ngày này, các cơ sở sản xuất cá khô tại đây đang tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2025. Đặc biệt, tại xã biên giới Vĩnh Xương, nơi giáp ranh với Campuchia, các cơ sở làm khô cá không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn mở rộng sang xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao.
Một trong những địa chỉ làm khô cá nổi bật tại xã Vĩnh Xương là cơ sở khô cá Đức Phát, do ông Trần Văn Đức làm chủ. Với gần 15 năm hoạt động trong nghề sản xuất các mặt hàng cá khô, cơ sở này đã xây dựng được thương hiệu vững chắc, cung cấp sản phẩm khô cá đồng chất lượng cao cho thị trường ĐBSCL, TP.HCM và một số nước trong khu vực.
Ông Trần Văn Đức, chủ cơ sở sản xuất cá khô Đức Phát, ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu cho biết: Các sản phẩm chủ lực của cơ sở gồm khô cá lóc, khô cá sặc rằn, cá chạch, cá lòng tong, cá lìm kìm, cá kết và cá trèn… được chế biến từ nguồn cá dồi dào trong mùa nước lũ từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm. Đây là thời điểm các loại cá đồng phong phú nhất, thuận lợi cho việc thu mua và chế biến. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu quanh năm, cơ sở còn liên kết với các hộ nuôi cá trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là cá lóc và cá sặc rằn, giúp tạo nên chuỗi sản xuất bền vững quanh năm.
Về giá cả, khô cá lóc loại 1 dao động từ 200.000 – 220.000 đồng/kg, loại 2 từ 150.000 – 155.000 đồng/kg; khô cá chạch loại 1 có giá 450.000 – 500.000 đồng/kg; khô cá sặc rằn từ 170.000 – 180.000 đồng/kg… Nhờ chất lượng sản phẩm ổn định, mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường từ 5-7 tấn cá khô các loại. Riêng những tháng cận Tết, sản lượng tiêu thụ tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng.
Đổi mới trong kênh phân phối
Một điểm đáng chú ý tại cơ sở khô Đức Phát là việc đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng xã hội như Zalo, TikTok, Facebook. Ông Trần Văn Đức cho biết, doanh số từ các kênh này chiếm tới 60-70% tổng sản lượng tiêu thụ, vượt xa kênh bán hàng truyền thống tại các chợ địa phương. Việc tận dụng thương mại điện tử không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn, đặc biệt trong dịp Tết khi nhu cầu quà biếu tăng mạnh.
Ngoài ra, cơ sở Đức Phát hiện đang trong quá trình chờ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm). Đây là bước tiến quan trọng để nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, cơ sở khô cá Đức Phát còn góp phần giải quyết việc làm cho 15-20 lao động địa phương với thu nhập ổn định. Nghề làm khô cá tại đây đã trở thành sinh kế quan trọng, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Đức chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn cố gắng không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm và phương thức kinh doanh để giữ vững thương hiệu. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các chính sách khuyến khích, cơ sở đã mở rộng quy mô, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu khẳng định: Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ mới và mở rộng kênh tiêu thụ qua thương mại điện tử, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Nghề làm khô cá truyền thống không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế vùng biên giới.
Bằng sự chăm chỉ, sáng tạo và sự hỗ trợ từ chính quyền, làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu đang ngày càng khởi sắc. Những mẻ khô cá chất lượng cao, đậm đà hương vị miền Tây, không chỉ làm phong phú thêm mâm cơm ngày Tết mà còn là món quà ý nghĩa, mang đậm tinh thần quê hương gửi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nguồn: nongnghiep.vn