Mong muốn phở Vân Cù xuất ngoại
Ngay sau khi phở Nam Định được Bộ Văn hóa – Thể thao Du lịch vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể, Chi hội Phở Vân Cù đã tổ chức hội nghị định hướng phát triển làng nghề phở Vân Cù.
Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Cồ Như Đồi – Chi hội trưởng Chi hội Phở Vân Cù cho biết, những nghệ nhân của làng phở Vân Cù đã xây dựng Đề án định hướng phát triển làng nghề phở Vân Cù giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đề án nhằm tổ chức, quy hoạch phát triển làng nghề một cách bài bản, xứng tầm với địa danh là “nôi của phở” đất thành Nam – sản vật vừa được vinh danh.
Mục tiêu của Đề án nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống của phở làng Vân Cù, thông qua việc bảo tồn các kỹ thuật nấu phở đặc trưng và văn hóa ẩm thực liên quan, mở rộng thương hiệu “phở Vân Cù” ra thị trường trong nước và quốc tế nhằm phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân.
Ngoài ra, người dân làng nghề mong muốn đẩy mạnh quảng bá hình ảnh phở Vân Cù, nâng cao vị thế ẩm thực Việt Nam và đưa phở Vân Cù “xuất ngoại”.
Trong định hướng này, Chi hội Phở Vân Cù thống nhất chọn ngày mồng 9 tháng 3 âm lịch hằng năm là “Ngày truyền thống phở Vân Cù’’. Vào ngày này, những người con làng Vân Cù đang kinh doanh nghề phở từ khắp mọi miền, sẽ trở về quê hương dâng hương lễ tổ nghề, tổ chức các gian hàng phở phục vụ nhân dân và du khách thập phương.
Các nghệ nhân làng phở Vân Cù cho biết, sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo, truyền dạy nghề phở cho thế hệ trẻ trong làng, đảm bảo tiếp nối các giá trị truyền thống; tổ chức các cuộc thi, hội thi tay nghề nhằm khuyến khích sáng tạo và giữ gìn bản sắc phở Vân Cù.
Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến phở, nhưng vẫn giữ nguyên những nét truyền thống trong hương vị và cách nấu phở, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Người dân làng Vân Cù cũng thống nhất dùng thương hiệu “phở Vân Cù” kèm theo logo trưng bày tại cơ sở kinh doanh phở, khuyến khích kết nạp thêm thành viên vào chi hội, tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm ẩm thực, tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực để quảng bá sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước.
Theo đó, giai đoạn 2025-2030 tập trung vào việc bảo tồn và phát triển chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và cơ sở hạ tầng cơ bản; phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư về làng nghề.
Giai đoạn 2030-2035: Mở rộng thị trường tiêu thụ thương hiệu phở Vân Cù ra quốc tế, đẩy mạnh du lịch làng nghề và hoàn thiện hệ thống quản lý, bảo tồn di sản văn hóa địa phương.
“Chúng tôi nhận thức, nghề truyền thống phở Vân Cù là tài sản quý giá do các thế hệ cha ông sáng tạo, trao truyền, trách nhiệm của thế hệ sau là phải bảo tồn và phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa đó để mãi mãi nghề phở Vân Cù là niềm tự hào của làng Vân Cù nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung. Phát triển làng nghề cũng là góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, ông Cồ Như Đồi khẳng định.
Nôi của phở Vân Cù
Làng nghề truyền thống phở Vân Cù (xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực) được xem là cái nôi của nghề phở cả nước. Từ những gánh phở đầu tiên của các lão nông làng Vân Cù được bày bán xung quanh Nhà máy Dệt Nam Định, thời gian sau những gánh phở đã theo bước chân người Vân Cù tiến dần lên Hà Nội, ra Hải Phòng và các tỉnh xung quanh.
Dù đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, nhiều gia đình tại đây vẫn luôn gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đến nay, nghề phở của địa phương đã lan tỏa đến mọi miền đất nước và cả hải ngoại. Ước tính, cộng đồng người Vân Cù có trên 120 quán phở trải khắp cả nước và gần 40 cơ sở sản xuất bánh phở, mỗi ngày cung cấp cho thị trường hơn 40 tấn bánh phở.
Năm 2022, ngay sau khi đại dịch Covid-19 vừa chấm dứt, những người con làng Vân Cù đã kết nối lại với nhau và thành lập Chi hội Phở Vân Cù – là tổ chức xã hội nghề nghiệp trực thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, với tôn chỉ quy tụ đoàn kết những người đang làm nghề phở và yêu mến món ăn truyền thống của quê hương. Mục đích là cùng hỗ trợ, học hỏi, sáng tạo, giúp đỡ nhau bảo vệ nghề truyền thống của cha ông, mang đến cho người dân và du khách những bát phở ngon nhất, đúng gốc thương hiệu “phở Vân Cù”.
Hiệp hội hiện có có hơn 50 hội viên là người làng Vân Cù đang hoạt động trong nghề phở ở khắp vùng miền của đất nước. Sau khi thành lập, Chi hội Phở Vân Cù đã tích cực tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống phở Vân Cù và giá trị lịch sử văn hóa của phở – một di sản của cha ông trao truyền lại cho thế hệ con em làng Vân Cù hôm nay.
Những dấu ấn của phở Vân Cù đã được những người có trách nhiệm đặt nền móng trước khi món ăn dân dã này được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể. Ngày 12/12/2022, “Ngày của phở” được tổ chức tại Nam Định tổ chức với nhiều hoạt đồng thu hút khách du lịch vè trải nghiệm, mở ra các cơ hội để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương.
Cũng trong năm 2022, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam đã mời đại diện Chi hội Phở Vân Cù và nghệ nhân Cồ Năng Vân tham dự chương trình ‘’Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam’’ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây thương hiệu “phở Vân Cù” đã được Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam tặng Bảng vàng vinh danh tri ân cho làng phở Vân Cù.
Năm 2024, Festival phở tại Nam Định đã chọn làng Vân Cù để giới thiệu về nghề phở truyền thống. Đình làng Vân Cù và quảng trường khách sạn Nam Cường, TP. Nam Định là 2 địa điểm tổ chức Festival phở với hàng ngàn người xếp hàng thưởng thức phở từ sáng sớm đến tận 22 giờ.
Những người con làng Vân Cù còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng đã 4 lần đem phở Vân Cù ra Trường Sa nấu tặng cán bộ, chiến sỹ trên đảo và nhà giàn DK1, tham gia Tổ chức liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, tổ chức Thiện nguyện trẻ em bại não Việt Nam…
“Không chỉ là món ăn dân dã, quen thuộc của bao thế hệ, phở Vân Cù đã góp phần làm nên di sản văn hóa phi vật thể phở bò Nam Định, là tài sản quốc gia. Chúng tôi không chỉ tự hào mà còn ý thức trách nhiệm vun đăp, xây dựng để giữ gìn tài sản văn hóa vô giá này”, nghệ nhân làng phở Vân Cù Vũ Ngọc Vượng chia sẻ.
Nguồn: nongnghiep.vn