Lãng phí ngân sách
Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có 18 xã nhưng đến nay 14 xã người dân chưa được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; chủ yếu dùng nước từ giếng khoan, giếng làng, chất lượng không đảm bảo.
Những năm qua, mặc dù đã nỗ lực vận hành các công trình cấp nước nông thôn quy mô nhỏ, song các công trình này chỉ cấp nước tối đa cho 1 – 2 xóm trong xã, hiệu quả thấp. Nhiều công trình xây dựng không đồng bộ, chỉ có cụm đầu mối và trục chính không đủ mạng lưới đường ống dịch vụ, dẫn đến công trình không thể hoạt động, gây lãng phí ngân sách. Chưa kể, qua thời gian, ảnh hưởng của thiên tai khiến nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
“Hiện nay tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung mới đạt gần 30%. Để đạt huyện NTM nâng cao theo kế hoạch vào cuối năm 2025, chúng tôi cần thêm 25% số hộ nữa”, ông Trần Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin.
Phân tích nguyên nhân công trình cấp nước tập trung do UBND cấp xã, HTX dịch vụ quản lý hiệu quả kém, ông Sơn cho rằng, cán bộ cấp xã, HTX dịch vụ hầu hết kiêm nhiệm, không chuyên trách. Trong khi, trình độ công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn; trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố chưa đáp ứng yêu cầu.
Giá tiêu thụ nước thấp, chưa được tính đúng, tính đủ; công tác bảo vệ, quản lý, khai thác vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu nên thu không đủ bù chi, từ đó nguồn tái duy tu, bảo dưỡng công trình hàng năm không có, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh. Ngoài ra, nguồn nước thô tại một số công trình không ổn định và chất lượng không đảm bảo.
Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế trong quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch UBND xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ nói: “Nhà máy giao xã quản lý không ổn, phải có doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn vận hành. Như trước đây giao cho xã, xã giao một người dân vận hành theo kinh nghiệm chứ chuyên môn họ không có. Hơn nữa, tự hoạch toán kinh doanh, hầu như xã phải bù lỗ nên không có nguồn sửa chữa, bảo dưỡng, dẫn đến hiệu quả thấp”.
Theo ông, về lâu dài, những công trình đang giao cấp xã quản lý cần bàn giao cho đơn vị có chuyên môn vận hành. Còn những công trình xây dựng mới phải tính toán, thiết kế đầu tư đồng bộ, từ lựa chọn nguồn nước thô đảm bảo đến hệ thống máy móc xử lý, đường ống đến tận hộ dân.
Rõ ràng đề xuất của huyện Can Lộc, Đức Thọ rất hợp lý, bởi ít nhất 7 công trình cấp nước tập trung UBND tỉnh giao các xã bàn giao cho đơn vị có chuyên môn tiếp nhận, quản lý đã được “cứu sống”.
Đơn cử là công trình cấp nước sinh hoạt xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh cân đối nguồn lực, thậm chí vay vốn sửa chữa, khôi phục lại dự án. Hiện đang cấp nước hiệu quả, được người dân đánh giá cao.
“Trước đây công trình này cấp đắp đổi, chất lượng nước hạn chế nhưng bây giờ, công suất xử lý đạt thiết kế 1.400m3/ngày đêm, cấp nước đạt tiêu chuẩn cho hơn 2.300 hộ dân trên địa bàn xã”, lãnh đạo Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn Hà Tĩnh phấn khởi cho hay.
Cần đầu tư đồng bộ
Song song với việc lựa chọn đơn vị đảm bảo năng lực chuyên môn quản lý, vận hành sau đầu tư, chính quyền các địa phương mong muốn cấp Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh lập dự án đầu tư công trình cấp nước tập trung cần đồng bộ ngay từ đầu, giao cho chủ đầu tư đảm bảo năng lực về kỹ thuật, chuyên môn giám sát, thực hiện.
Riêng huyện Can Lộc, để tháo gỡ khó khăn về nước sinh hoạt, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, trong 2 – 3 năm tới, địa phương sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án liên quan đến cấp nước sạch tập trung.
Ông Trần Mạnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin, trước mắt huyện đã đề xuất UBND tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy nước hồ Vực Trống, tại xã Phú Lộc, với tổng mức đầu tư dự kiến 210 tỷ đồng; công suất 9.000m3/ngày đêm. Dự án khi hoàn thanh sẽ cấp nước sinh hoạt cho hơn 28.000 hộ dân trên địa bàn các xã Thường Nga, Phú Lộc, Gia Hanh, Kim Song Trường, Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) và xã Đức Dũng, Đức Thanh (huyện Đức Thọ).
Tiếp đến, mở rộng đấu nối cấp nước sinh hoạt từ nhà máy nước La Giang cho xã Kim Song Trường, cấp sang xã Thanh Lộc.
Nâng cấp mở rộng nhà máy nước Thiên Lộc, cấp cho hơn 3.600 hộ thuộc xã Vĩnh Lộc cũ (nay là xã Khánh Vĩnh Yên). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 14,5 tỷ đồng.
Cuối cùng là dự án nâng cấp, đấu nối hệ thống đường ống từ nhà máy nước Thiên Lộc sang nhà máy nước Khánh Lộc để thay thế nguồn nước thô chất lượng thấp, nhằm cấp nước sạch cho người dân xã Khánh Lộc cũ. Mức đầu tư dự án khoảng 12,5 tỷ đồng, với công suất 4.000m3/ngày đêm.
Riêng xã Trung Lộc, trong năm nay sẽ thực hiện sáp nhập với thị trấn Đồng Lộc. Khi sáp nhập xong sẽ tính toán đấu nối đường ống với nhà máy nước La Giang để cấp cho địa phương này.
“Nếu hoàn thành được 4 dự án trên thì tiểu tiêu chí tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ công trình tập trung trong xây dựng nông thôn mới nâng cao toàn huyện sẽ đảm bảo 55%”, ông Trần Mạnh Sơn nói.
Trong số 17 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung do UBND cấp xã, HTX quản lý, hiện có tới 11 dự án “khai tử” hoặc hoạt động cầm chừng, gồm: Công trình cấp nước xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ), xã Vĩnh Lộc (Can Lộc), công trình cấp nước Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên), công trình tại xã Kim Lộc, Vĩnh Lộc, Tiến Lộc (huyện Can Lộc); Bắc Sơn (huyện Thạch Hà); Hương Trạch, Hương Liên (huyện Hương Khê) và Thọ Điền, Quang Thọ (huyện Vũ Quang).
Nguồn: nongnghiep.vn