Xử lý vi phạm hành chính hơn 5,6 tỷ đồng
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Lạng Sơn, trong tháng 11, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 448 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm (bằng 88,89% so với tháng 10/2024 và 67,27% so với cùng kỳ năm 2023), xử phạt vi phạm hành chính 422 vụ (bằng 93,99% so với tháng 10/2024 và 83,73% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính: hơn 5,6 tỷ đồng (bằng 41,81% so với tháng 10/2024 và bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2023). Cụ thể, tiền phạt vi phạm hành chính hơn 1,9 tỷ đồng, tiền phạt bổ sung, truy thu thuế, buộc nộp ngân sách số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính gần 3,18 tỷ đồng, tiền thanh lý hàng tịch thu hơn 53 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu gần 440 triệu đồng.
Cũng trong tháng 11, cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố 20 vụ (bằng 48,78% so với tháng 10/2024; bằng 133,33% so với cùng kỳ năm 2023), khởi tố 40 đối tượng (bằng 76,92% so với tháng 10/2024; bằng 190,48% so với cùng kỳ năm 2023).
Trong số 448 vụ việc này, Cục Quản lý thị trường xử lý 107 vụ, Bộ đội Biên phòng xử lý 14 vụ, Công an tỉnh xử lý 26 vụ, Cục Hải quan xử lý 86 vụ, Chi cục Kiểm lâm xử lý 6 vụ và Cục thuế xử lý 209 vụ.
Đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho thấy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các đường mòn biên giới hầu như không phát sinh do các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lén lút vận chuyển nhỏ lẻ các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống nhập lậu qua một số đường mòn biên giới khu vực huyện Cao Lộc, Lộc Bình. Các đơn vị chức năng tại tuyến đã chủ động triển khai lực lượng ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, tình hình gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu đã được các lực lượng chức năng kiểm soát tương đối chặt chẽ nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng chính sách về thuế, chính sách thông thoáng về các thủ tục liên quan để khai báo sai về tên hàng hóa, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa,…
Gian lận thương mại ở khu vực nội địa liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn thực phẩm, đo lường, lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để gian lận về nguồn gốc xuất xứ,… vẫn lén lút diễn ra.
Sẵn sàng cho Tết Ất Tỵ
Dự báo trong thời gian tới, theo quy luật hàng năm, thời gian tới bước vào dịp cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao, đặc biệt với mặt hàng thực phẩm, gia cầm, sản phẩm gia cầm, pháo nổ,…
Do đó, tình hình kinh doanh bất hợp pháp tại thị trường nội địa, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Bên cạnh đó, phương thức sản xuất, kinh doanh, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng cấm có nhiều thay đổi, với nhiều hình thức tinh vi hơn, khó lường hơn.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị trong tỉnh tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Đặc biệt, chú trọng quan tâm việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, chiến sỹ có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn.
Các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, phối hợp với cơ quan báo chí, truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân.
Với cơ sở, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn yêu cầu tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, trinh sát, nắm tình hình, tổ chức kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả.
Không để hình thành đường dây, tụ điểm, điểm nóng về buôn lậu diễn ra tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Trong đó, chú trọng hoạt động xuất lậu hàng hóa thực phẩm tại khu vực các xã biên giới, gian lận thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong tháng 11 vừa qua, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lối thông quan Tân Thanh – Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091), cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma.
Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nông sản, đồ gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng. Trong khi đó, hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hàng tạp hoá, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,…
Nguồn: nongnghiep.vn