Năm 2023, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã thành lập đoàn kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại một số địa phương vùng ĐBSCL. Hầu hết các cơ sở đều đảm bảo có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y.
Tuy nhiên, cũng tồn tại một số trường hợp vi phạm về lỗi ghi nhãn. Cụ thể, bà Lê Thị Huệ, Phó trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y) cho biết, nhãn sản phẩm hầu hết ghi sai, quảng cáo quá công dụng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng sự khác biệt trong quy định về quản lý cũng như điều kiện sản xuất, đăng ký lưu hành giữa sản phẩm xử lý môi trường và thuốc thú y, để lập lờ, đánh tráo công dụng.
Riêng tại cơ sở nuôi, ngành chuyên môn cũng phát hiện bà con mua thuốc thú y trên mạng xã hội, với lý do là sử dụng thử. Qua kiểm tra, trong những sản phẩm này có các thành phần kháng sinh chuyên sử dụng cho công tác thú y động vật nhưng lại được đưa vào sử dụng để phòng bệnh trên thủy sản nuôi.
Tại Kiên Giang, đặc thù là địa bàn chuyên nuôi trồng thủy sản, các loại thuốc thú y và sản phẩm xử lý môi trường có vai trò quan trọng đối với sản xuất của bà con. Cũng vào tháng 9/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã kịp thời phát hiện một số cơ sở kinh doanh có mẫu sản phẩm xử lý môi trường có dấu hiệu vi phạm về chất lượng.
Đồng thời, đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có chữ viết không đúng bản chất và sự thật về hàng hóa đó.
Từ đó, góp phần tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc thú y và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản về quy định pháp luật. Ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm, ổn định thị trường, đảm bảo quyền lợi cho hộ nuôi.
Cục Thú y khuyến cáo, theo quy định về sử dụng và kê đơn thuốc thú y, sản phẩm phải được sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của người hành nghề, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
Bà Huệ lưu ý, việc kê đơn thuốc thú y phải dựa trên kết quả khám bệnh hoặc chẩn đoán, xét nghiệm bệnh bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả và phù hợp với mức độ bệnh. Các loại thuốc thú y cũng phải thuộc danh mục được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam.
Hiện nay, trong danh mục thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam số lượng không nhiều, khoảng 1.381 sản phẩm, trong đó, có 1.310 sản phẩm sản xuất trong nước.
Các cơ sở sản xuất thuốc thú y thủy sản phải được thẩm định và đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, nhân sự, trang thiết bị sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo quản mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn GMP.
Đến nay, cả nước có 91 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP và 100% cơ sở sản xuất dược phẩm, vắc xin thú y đều đạt GMP.
Hệ thống đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản được phân bố rộng khắp trên cả nước, với gần 18.000 cơ sở.
Về vacxin thú y thủy sản, Cục Thú y đã cấp phép lưu hành 6 sản phẩm. Cụ thể là 4 sản phẩm phòng bệnh cho cá tra và cá chẽm; 2 sản phẩm trên cá rô phi, cá điêu hồng.
Ngoài ra, hiện nay nước ta đã chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công một số loại vacxin phòng bệnh thủy sản như: xuất huyết, gan thận mủ trên cá tra; bệnh do Streptococcus trên cá rô phi.
Việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y thủy sản được Cục Thú y thực hiện một cách chặt chẽ.
Trong giấy phép nhập khẩu, Cục Thú y ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y. Đơn vị đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh phải báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ cơ sở mua nguyên liệu kháng sinh của lô nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu lần trước, khi nộp hồ sơ đăng ký lô hàng tiếp theo, mới được xem xét giải quyết.
Đồng thời, đơn vị nhập khẩu chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
Không bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Nguồn: nongnghiep.vn