Ngày 20/9, Sở NN-PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn về Phúc lợi động vật và phòng chống, bệnh dại. Hội nghị giúp khởi động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về tính chất nguy hiểm và biện pháp phòng chống bệnh dại” năm 2024 do 3 Sở phối hợp thực hiện.
Cuộc thi nhằm truyền thông học đường về phúc lợi động vật đồng hành và phòng chống bệnh dại năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Đối tượng dự thi bao gồm tất cả các học sinh từ cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang sinh sống và học tập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cuộc thi diễn ra trong 7 ngày, thời gian bắt đầu thi từ 8h ngày 19/9 đến 8h30 ngày 25/9. Ban tổ chức sẽ công bố điểm của các thí sinh trong ngày 26/9.
Thời gian qua, các sở ngành của Đồng Nai đã thực hiện rất nhiều các đợt tuyên truyền với nhiều hình thức và trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng. Đối tượng là người lớn và tại các địa phương, tổ chức, công ty… với nhiều cách thực hiện khác nhau.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì hướng tuyên truyền này vẫn chưa đạt hiệu quả. Bằng chứng là tỉ lệ tiêm chủng của Đồng Nai vẫn còn thấp và tình trạng thả rông chó, xuất hiện các ổ dịch và có người tử vong về bệnh dại.
Đồng Nai hiện đang đứng đầu cả nước về số xã có ca bệnh dại trên chó. So với cùng kỳ năm 2023, tất cả các chỉ số liên quan đến dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh đều tăng rất mạnh. Tỉ lệ tiêm vacxin ngừa dại của Đồng Nai mới chỉ đạt hơn 40%.
“Do đó, với việc phát động cuộc thi với việc nhắm tới các đối tượng học sinh sẽ cho kết quả khả quan hơn. Cuộc thi cũng tạo tiền đề để trẻ ý thức hơn việc phòng chống bệnh dại, nhắc nhở gia đình trong tiêm phòng vacxin dại, quản lý vật nuôi và các xử lý khi lỡ bị động vật cắn.
Chúng tôi cũng hi vọng những kiến thức phòng chống bệnh dại cũng được nhà trường đưa vào trong các buổi sinh hoạt lớp mỗi tuần”, ông Nguyễn Trường Giang mong mỏi.
Ông Giang cũng lấy ví dụ, trẻ nhỏ có vai trò rất hữu hiệu trong việc nhắc nhở, góp ý phụ huynh của mình tuân thủ luật giao thông tốt hơn. Qua đó, với việc cùng con tham gia tìm hiểu các thông tin về phòng chống bệnh dại thì cha mẹ cũng bổ sung được nhiều kiến thức hơn, giúp nâng cao ý thức phòng chống dịch.
Ngoài việc tìm hiểu về bệnh dại, theo ông Nguyễn Trường Giang, trẻ cần phải đọc thêm các tài liệu khác về biện pháp kiểm soát, phòng ngừa bệnh dại mà Ban tổ chức cung cấp, như vậy mới đủ kiến thức để dự thi.
Các kiến thức bao gồm: Không trêu chọc hoặc bắt, giữ chó mèo; Kỹ năng sơ cứu khi bị chó, mèo cào, cắn; Tiêm phòng vacxin, huyết thanh khi bị chó mèo cào hoặc cắn; Tiêm phòng vacxin cho đàn chó, mèo theo định kỳ hàng năm…
Đồng thời, mỗi học sinh khi dự thi cũng cần phải trau dồi kiến thức các phúc lợi động vật mà chúng đáng được có như: được chăm sóc, cho ăn đầy đủ, không hành hạ, vắt kiệt sức lao động, được chăm sóc sức khỏe như chữa bệnh, tiêm vacxin…
BS.CK1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm, CDC tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 27 ổ dịch dại ở 6 huyện. Đáng ngại, so với cùng kỳ 2023 thì hiện nay tỉnh đã tăng 18 ổ bệnh dại.
“Tỷ lệ mầm bệnh dại tồn tại trong đàn chó trong khu vực là rất cao. Trong khi đó, tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng vacxin dại chưa cao nên nguy cơ xuất hiện các ổ dịch dại mới là rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều người còn chủ quan không đi tiêm vacxin phòng bệnh dại khi bị chó mèo, cào cắn nên nguy cơ người tử vong do bệnh dại luôn hiện hữu”, bác sĩ Phúc chia sẻ.
Cả 2 trường hợp tử vong về bệnh dại được ghi nhận trong năm 2024 là do chủ quan, không tiêm ngừa vacxin dại sau khi bị vật nuôi tấn công. Đây lại là kiến thức mà các sở, ngành và truyền thông đại chúng thường xuyên tuyên truyền.
“Phải hiểu về bệnh dại và áp dụng nó vào trong cuộc sống. Chúng tôi mong mỏi đừng để có thêm người chết vì bệnh dại. Đây cũng là trách nhiệm không chỉ của riêng người nuôi chó, mèo mà còn là câu chuyện của cả cộng đồng”, bác sĩ Phan Văn Phúc chia sẻ thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn