Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời về câu hỏi liên quan đến chính sách vay vốn cho nông dân, đặc biệt nông dân ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ và đây là mặt trận hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế.
Riêng lĩnh vực ngân hàng có 18 văn bản đang có hiệu lực liên quan đến 18 cơ chế, chính sách trực tiếp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đi vào cụ thể từng vùng miền như ĐBSCL (tôm, lúa, cá), khu vực Tây Nguyên (cây cà phê, cây công nghiệp), các vùng có thiên tai, dịch bệnh, …
Về quá trình tổ chức thực hiện và nguồn lực của ngân hàng dành cho nông nghiệp, nông thôn, ông Tú khẳng định đây luôn là lĩnh vực ưu tiên, không có cơ chế giới hạn, hạn chế. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có cơ chế động viên, khuyến khích, ưu tiên cho các ngân hàng thương mại để hoạt động trong lĩnh vực này.
Liên quan đến nguồn lực, tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, riêng nông nghiệp, nông thôn có mức dư nợ khoảng 3,3 triệu tỷ, tương đương ¼ tổng dư nợ nền kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực ngành nông nghiệp, nông thôn duy trì cao nhất trong tất cả các ngành, chiếm 10-12% hàng năm.
Xung quanh cơ chế nguồn vốn, bảo lãnh, thủ tục đối với bà con nông dân, Nghị định 55 năm 2015, sửa đổi năm 2018 hiện đang được triển khai thực hiện. Hiện nay, một số nhóm đối tượng được thực hiện cơ chế ưu tiên, ưu đãi trong ngành tại Nghị định đang không còn phù hợp, cần sửa đổi. Theo đó, ông Tú cho rằng cần có cơ chế mở rộng hơn đối với doanh nghiệp, không chỉ là sản xuất nhỏ, hộ nông dân sản xuất cá thể ở nông thôn hiện nay.
Phía Ngân hàng Nhà nước đã đặt vấn đề với Bộ NN-PTNT cùng phối hợp với các bộ, ngành khác để nghiên cứu để xây dựng, mở rộng thêm điều kiện và đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được thụ hưởng.
Vì vậy, ông Tú cho rằng việc đưa hộ nông dân, HTX sản xuất quy mô lớn… vào Nghị định 55 là điều cần thiết, phù hợp với tình hình, xu thế hiện nay cũng như phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Về vấn đề lãi suất, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên được ưu đãi lãi suất đầu tiên, mức cho vay khống chế trần tối đa các ngân hàng thương mai phải thực hiện.
Về tài sản đảm bảo, chính sách đã làm rõ, không phải các khoản vay đều cần tài sản đảm bảo bằng cụ thể bất động sản hay hình thức vật chất, có thể bằng tín chấp hoặc tài sản trong tương lai. Tuy nhiên, việc dùng hình thức nào làm tài sản đảm bảo trong quá trình cho vay lại được thỏa thuận giữa người vay và ngân hàng cho vay.
Phản hồi ý kiến của nông dân về tiếp cận vốn vay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu thêm các chính sách về cho vay thế chấp tài sản trong tương lai để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho nông dân ngay tại cấp cơ sở, làm sao để nông dân hiểu và chấp hành quy định của ngân hàng một cách thuận lợi.
Về tiếp cận tín dụng, cần nghiên cứu tín chấp cho nông dân, linh hoạt trong tiếp cận vốn cho nông dân. Trong đó, tăng cường tín chấp, tài sản hình thành trong tương lai. Các ngân hàng cần có đánh giá, khai thác yếu tố phù hợp với tâm lý, truyền thống của người nông dân là thật thà, chất phác, lam lũ để đưa ra tín dụng phù hợp, giúp nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các quỹ hỗ trợ nông dân như quỹ khoa học công nghệ cần được mở rộng tiêu chuẩn, điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân, nhà khoa học vùng sâu vùng xa.
Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách để nông dân tiếp cận thuận lợi hơn với tín dụng, đúng địa chỉ, kịp thời, đúng thời điểm.
Nguồn: nongnghiep.vn