Trung thu giản dị
7h sáng, các thầy cô và đoàn thanh niên ở xã Pi Toong tập trung tại chân Dốc Bản Lứa để di chuyển lên lớp học mới, do điểm trường cũ nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc bản Nà Chà, huyện Mường La. Hôm nay đặc biệt hơn khi trường tổ chức lễ trung thu cho các em học sinh.
Sau 3 tiếng di chuyển, cả đoàn đã có mặt tại lớp học được dựng cạnh lều sơ tán, công tác chuẩn bị cho buổi lễ trung thu diễn ra vô cùng khẩn trương, không ai bảo ai, mỗi người một chân một tay, hỗ trợ nhau sắp xếp sao cho gọn và đẹp nhất, tấm bạt dài được trải ra tại vùng đất trống ngay cạnh lớp học, túi quà được xếp gọn gàng theo từng hàng, bim bim với kẹo phủ đầy tấm bạt.
Mọi công tác chuẩn bị sớm hoàn tất để buổi lễ được diễn ra, khung cảnh bình dị nhưng ấm áp, không màu sắc, không những mâm ngũ quả hay màn múa lân quen thuộc, các em được thầy cô ân cần, dắt tay ra sân, xếp thành từng hàng để nhận quà, những cái ôm như thay lời muốn nói.
Thầy và trò ngồi quanh thành một vòng tròn, thưởng thức buổi phá cỗ, các em nở nụ cười rạng rỡ, vui vì được nhận quà. Nhà trường cùng chính quyền xã cũng hỗ trợ cho các gia đình một khoản tiền để trang trải cuộc sống vượt qua giai đoạn khó khăn.
Lớp học mới cách trường cũ khoảng 700m dựng bằng luồng bao bởi những tấm bạt, ngày nào cũng rộn ràng từ 7h sáng đến 11h trưa, chiều từ 14h đến 16h.
Được biết, các em học sinh mẫu giáo, lớp 1 và 2 của trường Pi Toong sẽ học ở đây, còn các em học sinh lớp 3 đến lớp 5 được chuyển đến trường học ở trung tâm huyện Mường La.
Trường tiểu học Pi Toong có 6 điểm trường: 804 học sinh; 32 lớp và hơn 50 cán bộ giáo viên. Trường trú tại bản Nà Chà là nơi khó khăn nhất, nhiều em học sinh thuộc hộ gia đình dân tộc thiểu số; vất vả lo miếng cơm từng ngày, nhưng không bao giờ từ bỏ con “chữ”.
Ông Trịnh Xuân An, Hiệu trưởng trường tiểu học Pi Toong, cho biết: “Ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, điểm trường có dấu hiệu nứt nguy cơ sạt lở cao, nhà trường đã kịp thời phát hiện, báo cáo lên xã để tính phương án di dời trường học”.
Ban Giám hiệu chỉ đạo đội ngũ giáo viên, chuyển bàn ghế, san mặt bằng để tạo lớp học tại đây. Từ điểm sạt lở đến nơi ở tạm thời khoảng cách khá gần, nên việc vận chuyển không khó khăn khi nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và người dân.
“Tôi và thành viên trong Ban Giám hiệu luân phiên nhau, túc trực tại điểm trường phải di dời để kịp thời hỗ trợ, động viên các em học sinh, chia sẻ những khó khăn với các gia đình đang gặp phải trong giai đoạn này”, thầy An nhấn mạnh. Đối với nhà trường, mong mỏi lớn nhất bà con có nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống, xây dựng lớp học cho các em để tiếp tục các hoạt động giảng dạy.
Góp gạo thổi cơm chung
Ngày 16/9, 22 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu của bản Nà Chà đã được di chuyển khẩn cấp lán tạm, còn 8 hộ với 26 nhân khẩu ở ghép tại các nhà an toàn.
Đường lên bản lúc nào cũng khó, vừa dốc vừa ngoằn ngoèo, bên trái đồi núi còn bên phải là vực sâu; khoảng 7 cây nhưng đi gần 40 phút mới tới nơi. Thường, trai bản sẽ sắm vai những người dẫn đường, cung đường đấy chỉ dân “quen” mới lái được, từng chiếc xe máy cũng rất khác, lốp sau được bọc bởi 2 lớp xích để làm giảm trơn từ bùn đất.
Cuộc sống tại nơi ở mới gặp nhiều khó khăn, nước sinh hoạt kéo từ dưới bản lên, thực phẩm vẫn còn khan hiếm, phải xuống huyện để mua, nhưng càng khó tinh thần đoàn kết của bà con càng lên cao, “góp gạo thổi cơm chung” đó là tinh thần được thổi trong mỗi người dân của bản Nà Chà.
“Trách nhiệm của chúng tôi phải sớm ổn định cuộc sống của bà con, anh em thường ngủ lại đây để nắm được tình hình còn báo cáo cho cấp trên”, ông Lường Văn Vui – Phó chủ tịch UBND xã Pi Toong chia sẻ.
Năm sau, xã sẽ hoàn thiện hồ sơ để đáp ứng các yêu cầu xã nông thôn mới, sớm nhận thêm hỗ trợ từ các cấp chính quyền, cung đường di chuyển được đổ bê tông, đi lại thuận tiện hơn; gia tăng sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn