Ưu tiên hỗ trợ HTX phát triển
Nhằm bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hàng năm Chính phủ đều hỗ trợ đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp – nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa. Bên cạnh đó, người trồng lúa được hỗ trợ 50% lúa giống mới, phân bón, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa, từng bước nâng cao chất lượng hạt lúa, hướng đến liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Vĩnh Lợi, từ đầu năm 2023 ngành nông nghiệp đã tổ chức hỗ trợ lúa giống, phân bón cho các hộ nông dân là thành viên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái Green Farm. Đây là HTX chuyên sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện. Mỗi ha được hỗ trợ 50kg lúa giống ST25, 200kg phân bón và một số thuốc bảo vệ thực vật, tổng diện tích được hỗ trợ là 100ha.
Ông Nguyễn Văn Nhà – Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp sinh thái Green Farm, cho biết, vụ lúa thu đông, HTX có 75 thành viên còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cụ thể theo quy trình HTX đưa ra. Đồng thời, toàn bộ sản lượng lúa sản xuất ra cũng được HTX bao tiêu thu mua.
Được biết, vụ lúa thu đông 2023, toàn huyện Vĩnh Lợi có tổng diện tích được hỗ trợ là 2.000ha. Hầu hết nông dân được hỗ trợ lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều là thành viên các HTX, tổ hợp tác (THT).
Xung quanh vấn đề này, ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi, cho biết, năm nay huyện ưu tiên hỗ trợ cho các HTX, THT ở các xã, thị trấn có đủ điều kiện. Trong đó, HTX, THT phải liên kết với các doanh nghiệp, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên.
Còn tại thị xã Giá Rai, vụ lúa thu đông này, địa phương đã hỗ trợ 800ha sản xuất lúa chất lượng cao, chủ yếu ở phường Láng Tròn, xã Phong Thạnh Đông và xã Phong Tân. Các hộ nông dân ký kết hợp đồng được các doanh nghiệp, HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hình thành chuỗi liên kết
Mục đích của việc hỗ trợ, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ lúa giống chất lượng cao, vật tư nông nghiệp và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp thì tỉnh còn hướng đến việc hình thành chuỗi liên kết giá trị, đảm bảo đầu ra cho nông sản.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 84.300ha lúa được liên kết sản xuất, với tổng sản lượng 536.752 tấn. Trong đó, vụ lúa mùa liên kết bao tiêu được 9.344ha, sản lượng 55.569 tấn; vụ lúa đông xuân thực hiện 26.534ha, sản lượng 205.904 tấn; và vụ lúa hè thu là 48.430ha, sản lượng 275.279 tấn. Các doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu lúa cho nông dân trong tỉnh gồm Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty TNHH MTV Vina Toàn Phát, HTX Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp Xanh, HTX Lúa Vàng, Đại lý Hữu Phước…
Việc các địa phương ưu tiên hỗ trợ nông dân là thành viên HTX nhằm thu hút nông dân tham gia vào các THT, HTX. Bên cạnh đó, phát huy tính liên kết để các THT, HTX hoạt động thật sự có hiệu quả, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị, bao tiêu nông sản cho các thành viên sản xuất ra. Từ chính sách hỗ trợ, hình thành vùng lúa hàng hóa tập trung và liên kết, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân qua mỗi mùa vụ, để người nông dân có thêm động lực tiếp tục bám đồng ruộng, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, năm 2023, tỉnh được hỗ trợ 70 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ cây lúa nước, trong đó, 50% đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, 50% hỗ trợ lúa giống, phân bón. Chương trình hỗ trợ lúa giống, phân bón cho nông dân đạt hiệu quả cao. Riêng năm nay năng suất, chất lượng và giá lúa đều cao nên nông dân được hỗ trợ có lợi nhuận khá. Năm 2024, chương trình này sẽ hỗ trợ, nhân rộng giống lúa BL9 khoảng 8.000 – 9.000ha.
Cùng với các giống lúa chất lượng cao từ lâu đã khẳng định được thương hiệu, năng suất, chất lượng hạt gạo trên đồng đất Bạc Liêu như Nàng Hoa 9, Đài thơm 8, ST24, ST25…, việc giống lúa BL9 được cấp phép đặc cách lưu hành đã giúp nông dân có thêm sự lựa chọn khi bắt tay vào vụ mới. Song song với việc quảng bá, giới thiệu để mọi người biết đến giống lúa BL9, tỉnh Bạc Liêu cũng tích cực tìm kiếm các đối tác trong và ngoài tỉnh để xây dựng vùng chuyên canh, đáp ứng tốt cả về số lượng lẫn chất lượng, phục vụ cho xuất khẩu, hướng đến xây dựng thương hiệu lúa thơm – tôm sạch của Bạc Liêu trên bản đồ lương thực của cả nước.
Nguồn: nongnghiep.vn