Đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới
Để xây dựng, phát triển thành phố Hà Nội xứng đáng với vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra 4 quan điểm lớn về xây dựng, phát triển Thủ đô; trong đó, đề ra quan điểm: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” và đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới”.
Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để thay thế Luật Thủ đô năm 2012 với quan điểm: tạo ra một hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Thủ đô, để xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế;
Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng – vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Việc xây dựng Luật Thủ đô không chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi thế, tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển của riêng Thủ đô mà còn để Thủ đô đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
Ngày 28/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 39/2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), trong đó giao Chính phủ xây dựng, ban hành 6 Nghị định, cho Thành phố xây dựng, ban hành 114 văn bản để triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Ngày 14/11/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 10) và chỉ đạo của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách thể thể để phục vụ mục tiêu phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được mọi nguồn lực để Thủ đô phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Làm rõ 5 nhóm vấn đề trọng tâm
Báo cáo tham luận của các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội đã tập trung làm rõ được các nhóm vấn đề:
– Nhóm vấn đề thứ nhất: Trên cơ sở Luật Thủ đô, các bài viết đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hoá các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
– Nhóm vấn đề thứ hai: Từ tổng kết thực tiễn, từ kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua, các bài viết đã đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
– Nhóm vấn đề thứ ba: Từ kinh nghiệm quốc tế, các bài viết đã gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
– Nhóm vấn đề thứ tư: Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách rất mới, có những cơ chế, chính sách chưa được quy định trong Luật Thủ đô, gợi mở cho việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật về Thủ đô. Nhiều cơ chế, chính sách được đề xuất trong các tham luận phù hợp với xu thế phát triển của thời đại…
– Nhóm vấn đề thứ năm: Các bài viết của Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc cụ thể hóa, triển khai thi hành Luật Thủ đô mà còn gợi mở để đóng góp thêm những ý kiến vào chủ trương, định hướng trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật của đất nước trong thời kỳ mới.
Nguồn: nongnghiep.vn