2/13 dự án bắt tay thi công
Cuối năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM, với thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025. Sự mạnh dạn, táo bạo, quyết liệt trong thực hiện Chương trình MTQG này của Hà Tĩnh được Trung ương và cả nước ghi nhận, đánh giá cao.
Khi bắt tay thực hiện, dù là tỉnh nghèo nhưng Hà Tĩnh vẫn ưu tiên nguồn lực đầu tư, thực hiện các tiêu chí khó. Trong đó, đầu tư hơn 428 tỷ đồng (Nguồn Trung ương 308 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 9 tỷ; ngân sách đối ứng của địa phương và người dân đóng góp hơn 111 tỷ đồng) xây dựng 13 dự án cấp nước sạch tập trung.
Theo kế hoạch, các dự án này phải hoàn thành trong năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, mới được 2 dự án triển khai thi công, gồm: Dự án mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Nghi Xuân cấp cho xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân và Mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Nghi Xuân cấp cho xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân. Các dự án này dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
11 dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư (tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật/Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đánh giá tác động môi trường), lựa chọn đơn vị thi công. Cơ bản đang trên giấy.
Cá biệt, 3 dự án: Sửa chữa hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Hương Liên; Hệ thống cấp nước sinh hoạt Đức Đồng và vùng phụ cận, huyện Đức Thọ và Dự án Hệ thống cấp nước sinh hoạt Ngàn Trươi, huyện Vũ Quang (GĐ 1) hiện vẫn “chưa đâu vào đâu”, việc thực hiện các bước để khởi công, hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trong năm 2025 là điều không tưởng.
Theo chủ đầu tư các dự án, mặc dù đã nỗ lực hết công suất song yêu cầu về mặt tiến độ thực hiện chương trình NTM thì đang bị chậm. Nguyên nhân do, quá trình tổ chức khảo sát, nghiên cứu, tính toán, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi có 4 dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; 5 dự án phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; 3 dự án phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Bên cạnh đó các địa phương chưa kịp thời ban hành Nghị quyết về vốn đối ứng nên hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi không đủ cơ sở để trình thẩm định, phê duyệt.
Các dự án có sử dụng vốn đối ứng ngân sách huyện, xã và người dân đóng góp, do đó quá trình thẩm định phải chờ các địa phương bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn và cam kết bố trí vốn.
Dự án cũng liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan chuyên môn nên kéo dài thời gian xin ý kiến, thẩm định, phê duyệt dự án dẫn đến tiến độ thực hiện bị chậm so với kế hoạch. Hơn nữa, đặc thù xây dựng công trình nước sạch phải sử dụng một số thiết bị, vật tư không có trong công bố giá của Sở Xây dựng, không thuộc đối tượng thẩm định của Hội đồng thẩm định giá tỉnh Hà Tĩnh, do đó phải thuê đơn vị tư vấn lập Chứng thư thẩm định giá gây kéo dài thời gian.
Đối với năng lực cung ứng nước sạch tập trung tại 7 dự án do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đang thi công xây dựng, mở rộng mạng lưới, khi hoàn thành vào năm 2025 cũng chỉ nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung toàn tỉnh lên được 0,8%, tương đương 89.463/295.687 hộ dân nông thôn.
Như vậy, yêu cầu đạt tỷ lệ tiểu tiêu chí 18.1 đang là trở ngại lớn nhất làm chậm quá trình xây dựng NTM nâng cao tại các đơn vị cấp xã. Nếu không đảm bảo tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao đồng nghĩa huyện NTM nâng cao “treo” chưa hẹn ngày đạt chuẩn, kéo theo mục tiêu năm 2025 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM bất khả thi.
Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung mới đạt 29%
Theo Quyết định 321/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, điều kiện để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM phải có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên đến nay, tỉnh Hà Tĩnh mới có 65 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và chưa có huyện nào đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối chiếu tỷ lệ yêu cầu, trong vòng 1 năm 3 tháng tới, địa phương này phải có thêm ít nhất 8 xã và 2 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, lúc đó tỉnh Hà Tĩnh mới hoàn thành được nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra.
Ngặt nỗi, tiểu tiêu chí 18.1 đang là lực cản khiến đại bộ phận cán bộ và Nhân dân không mặn mà xây dựng huyện, xã NTM nâng cao.
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2024 toàn tỉnh Hà Tĩnh mới có 87.114/295.687 hộ gia đình nông thôn sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, chiếm tỷ lệ 29%.
Con số nhẩm tính tăng lên đạt 40 – 42% phải đi kèm điều kiện khai thác hết công suất. Tuy nhiên, chính quyền cấp huyện, xã nhận định, sau khi đưa những công trình này vào sử dụng, việc vận động người dân đấu nối đường ống chuyển từ giếng khoan, giếng khơi sang dùng nước máy để đảm bảo tỷ lệ, khai thác hết công suất cực kỳ khó.
Năm 2024 xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới. Để hoàn thành tiểu tiêu chí 18.1, ngân sách tỉnh, huyện hỗ trợ 55%; xã và người dân đối ứng 45%. Sau nhiều tháng liền vận động, đến nay mới được hơn 800 hộ đăng ký, còn thiếu hơn 300 hộ để đảm bảo đạt trên 55% tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình tập trung.
“Để hoàn thành nhiệm vụ tỉnh NTM, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch toàn tỉnh phải đạt trên 55%, trong đó 50% số hộ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, nếu tổng các dự án đang xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, tỷ lệ cũng mới đạt được 40 – 42%, vấn đề không biết (các dự án) đến khi nào xong. Nhận định (tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM) theo chủ quan thì chưa thể xong, vì có những cái (dự án) chưa đâu vào đâu cả thì làm sao 2025 đưa vào sử dụng được”, một cán bộ Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh nói.
Nguồn: nongnghiep.vn