Thưa ông, mục tiêu Hà Tĩnh đặt ra, năm 2025 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, song theo quy định mới, bộ tiêu chí yêu cầu cao hơn. Vậy, Hà Tĩnh nhận thấy tiêu chí nào khó hoàn thành trước và trong năm 2025?
Trước hết, chúng tôi cảm ơn NNVN đã có loạt bài với góc nhìn toàn diện và có những đánh giá về một chương trình lớn, mục tiêu lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Quá trình thực hiện xây dựng NTM, để đáp ứng yêu cầu khách quan, mỗi giai đoạn Trung ương ban hành các bộ tiêu chí quốc gia tương ứng, trong đó có cập nhật, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu, tiêu chí theo hướng thúc đẩy phong trào ngày càng bền vững hơn.
Trong giai đoạn 2021-2025, bộ tiêu chí quốc gia yêu cầu cao hơn giai đoạn trước nên việc nâng cấp, cập nhật, xây dựng để đảm bảo đạt chuẩn đối với các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; huyện đã đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cần nguồn lực rất lớn.
Riêng Hà Tĩnh, hiện có 2 tiểu tiêu chí thuộc diện khó nhằn là “Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung” và “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định”.
Với xã NTM nâng cao, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung yêu cầu phải bằng hoặc lớn hơn 55%. Xác định đây là chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến chất lượng sống của người dân nên thời gian qua, việc tổ chức thực hiện, đánh giá, thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Hà Tĩnh thực hiện rất bài bản, thực chất, chặt chẽ. Quan điểm không được nợ tiêu chí.
Vì vậy, trong năm 2023, 2024 mặc dù nhiều xã đã cơ bản đạt 20/20 tiêu chí xã NTM nâng cao nhưng chỉ tiêu nước sạch tập trung chưa đạt thì chưa được xem xét bỏ phiếu xét, công nhận đạt chuẩn.
Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn trước, nếu chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chí của giai đoạn 2021 – 2025 thì tiếp tục rà soát, bố trí nguồn lực để thực hiện đảm bảo quy định.
Về cấp huyện, tỉnh Hà Tĩnh đang phấn đấu có 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trước năm 2025, gồm: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân. Đến nay có 2 huyện đã đạt yêu cầu này là Đức Thọ (đạt 55,96%) và Thạch Hà (đạt 44,84%), vượt tỷ lệ theo quy định của Trung ương (tối thiểu 28%). Còn, 2 huyện Nghi Xuân, Can Lộc đã đạt 22 – 25%. Thời gian tới, sau khi các dự án nước sạch đang triển khai thi công hoàn thành đưa vào sử dụng thì cả 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc cũng sẽ hoàn thành đảm bảo chỉ tiêu chỉ tiêu này.
Khó, không có nghĩa chúng ta dừng lại. Vậy, tỉnh Hà Tĩnh sẽ làm gì để khắc phục trở ngại của tiểu tiêu chí 18.1?
Phải khẳng định một lần nữa, quyết tâm chính trị của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh sẽ không vì khó khăn mà chùn bước, dừng lại. Rõ ràng, yêu cầu các tiêu chí cao hơn sẽ đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn, quyết tâm lớn hơn.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí quan trọng như: Bố trí nguồn vốn để xây dựng mới, mở rộng mạng lưới hơn 50 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, với tổng kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng (từ 2021 đến nay). Xây dựng công trình nước sạch cho một số xã thuộc huyện Lộc Hà, Can Lộc, tổng mức đầu tư 215 tỷ đồng; dự án Nhà máy nước và hệ thống cấp nước sạch cho nhân dân thị trấn Hương Khê và 8 xã vùng phụ cận, tổng mức đầu tư hơn 229 tỷ.
Với các vùng không quy hoạch công trình cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án triển khai, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2023 đã hỗ trợ 2,36 tỷ đồng để lắp đặt hơn 1.180 thiết bị xử lý nước sinh hoạt, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt khoảng 70%.
Sắp tới, Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 20 công trình nước sạch tập trung đã được HĐND tỉnh phân bổ nguồn; xây dựng Nhà máy nước Hương Khê và 8 xã vùng phụ cận. Sau khi các dự án này đưa vào sử dụng, ước sẽ có thêm trên 20 xã đáp ứng được chỉ tiêu 18.1 trong xây dựng NTM nâng cao.
Đối với những vùng không quy hoạch cấp nước tập trung, khó khăn về nguồn nước, sẽ chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị Quyết số 44 và Nghị quyết số 124 của HĐND tỉnh để lắp đặt các thiết bị, hệ thống xử lý nước nhỏ lẻ, cấp nước hộ gia đình để người dân được sử dụng nước sạch đảm bảo chất lượng, góp phần thực hiện tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM…
Về chỉ tiêu “Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định” thì sao, thưa ông?
Cơ bản nặng nhất là tiểu tiêu chí 18.1, bởi đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Còn chỉ tiêu Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định, phần lớn vẫn là từ ý thức của Nhân dân.
Chúng tôi đã xây dựng các giải pháp để thực hiện đạt tiểu tiêu chí này, gồm: tăng cường công tác tuyên truyền. Thực hiện chính sách hỗ trợ chế phẩm, thiết bị lưu chứa, xử lý rác thải tại hộ gia đình, cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom, xử lý rác hữu cơ, mục tiêu đến năm 2025 có 100% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại hộ gia đình.
Đối với cấp huyện, hỗ trợ các đơn vị, HTX thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác từ hộ gia đình, cộng đồng dân cư đến 13 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã để xử lý. Những địa phương không xử lý hết lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện thì hỗ trợ mua phương tiện và chi phí vận chuyển rà đến xử lý tại Nhà máy chế biến rác sinh hoạt Hoành Sơn tại huyện Kỳ Anh và Nhà máy chế biến phân hữu cơ tại huyện Cẩm Xuyên.
Nói tóm lại, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ lãnh đạo, chỉ đạo; ưu tiên nguồn lực đầu tư; xúc tiến, thu hút doanh nghiệp xã hội hóa,… Hà Tĩnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025 theo Quyết định 321 của Thủ tướng Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: nongnghiep.vn