Thối rữa lây lan nhanh
Anh Lê Ngọc Thịnh – chủ vườn lan Thịnh Huyền rộng hơn 1 mẫu đất ở xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với các loại hàng rừng như đai châu, quế lan hương, tam bảo sắc, địa lan… thông tin mình có 2 vạn giò với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng thì cơn lũ hậu bão số 3 này đã gây thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Biết lũ to nên trước đó anh đã chủ động treo hết lan lên tầng hai nhưng cũng không thể kịp. Tầng một ngập hai ngày cây thối hết, còn những giò lan đẹp, dài ở tầng hai có một phần thân rễ thò xuống nước cũng bị thối ngược lên trên, chết nốt.
Lan nhiễm khuẩn nên thối rữa, lây rất nhanh. Đã gần 10 ngày trôi qua mà anh vẫn phải lội bì bõm trong nước ngang đến bắp chân để thu dọn những giò lan đang chết, thân lá nhũn ra, cầm vào là tuột như da của người bỏng nặng.
“Những cây bị nhiễm khuẩn phải hủy đi để đỡ lây lan sang cây khác. Cả một đống gỗ trước vườn là những giá thể của các giò lan trước đây từng bám vào, có những giò lan đã 10 năm hoặc hơn, trị giá hàng chục triệu đồng, giờ tôi phải dứt ra để dọn rửa. Đám địa lan và lan đai châu phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả để làm cây đầu dòng giờ cũng hỏng hết rồi. Chỗ đất này tôi thuê 30 triệu đồng/sào/năm, còn nếu mua thì cỡ 2 tỷ đồng/sào, tuy nhiên chỗ đắt nhất của làng phải 5 tỷ đồng/sào. Nếu làm ăn suôn sẻ mỗi năm gia đình tôi cũng để ra được 1 tỷ đồng nhưng gặp thiệt hại như thế này phải 5-6 năm mới phục hồi được”…
Anh Nguyễn Văn Tuyên – thành viên của HTX Hoa cây cảnh Xuân Quan là một trong những người đầu tiên đưa nghề hoa, cây cảnh về quê vào năm 1997. Từ đó đến nay, cứ tích lũy được bao nhiêu anh lại đầu tư vào cây cối, nhà giàn với tổng diện tích 20.000m2, tổng đầu tư gần 100 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động và lợi nhuận khoảng 5 tỷ đồng/năm. Ghi nhận những thành tích ấy, mới đây anh đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba vào đúng năm tròn 40 tuổi.
Đứng trầm ngâm bên cái nhà giàn, phần còn, phần đổ sập, mái bị bóc gần hết trơ lại bộ khung như bộ xương trắng ởn của một con cá voi chết, bên dưới là những chậu cây đang úa tàn, anh khẳng định, cơn bão rồi chồng lũ này khiến cho mình mất ít nhất hơn 10 tỷ đồng.
“Nhà tôi chẳng thể nào đếm được chi tiết số lượng cây, chỉ ước tính khoảng trên 100.000 trong đó có các chủng loại như phát tài núi, ngọc lan, kim tiền, mộc, hạnh phúc… Sau bão toàn bộ nhà giàn đổ sập xuống, đè lên cây không còn đường để chạy nữa. Tối ngày 11 rạng sáng ngày 12 nước tràn vào bãi Xuân Quan thì từ chiều tôi đã huy động mấy chục người đem cây lên giàn giáo dựng tạm ngoài đường. Mới chỉ đem được một ít thì nước đã dâng lên ngang bụng, chúng tôi phải bỏ của chạy lấy người.
Mấy ngày nay tôi cho chở mấy chục ô tô cây chết ra bãi rác đổ rồi. Ra vườn nhìn thấy hoang tàn thế này tôi cảm thấy mệt mỏi và chán đến mức còn không muốn dọn dẹp gì nữa. Lũ ngập làm thối hết rễ và nõn cây, đến khi rút đi, nắng lên, trong thân cây mất nước sẽ bị chết, kể cả không nắng thì cây cũng sẽ chết từ từ. Thà cho chúng chết nhanh hơn để còn dọn một thể.
Năm 2008 mưa 8 ngày liền, toàn bộ diện tích hoa, cây cảnh của tôi ở trong đồng, chỗ khu đô thị Ecopark giờ đã thu hồi ấy bị ngập, mất 2 tỷ đồng. Năm nay lại dính đợt bão, lũ này, thiệt hại nặng nhưng chưa bao giờ nhận được một ngàn đồng hỗ trợ nào. Dân Xuân Quan tôi cũng thế, dù đã được Nhà nước công nhận làng nghề rồi nhưng do hoa, cây cảnh không nằm trong danh mục được hỗ trợ khi thiên tai nên càng nghĩ lại càng buồn”.
Hỏng cái trước mắt và hỏng cái lâu dài
Anh Lê Văn Chuyền sở hữu 5 vườn cây cảnh tổng diện tích khoảng 8.000m2 với hàng vạn chậu thiết mộc lan và cây nội thất cao cấp trồng trong nhà, trong công sở có giá trung bình 1,5 triệu đồng/chậu. Anh thú thực rằng, nhiều lúc không muốn nghĩ đến, tính đến thiệt hại do bão số 3 và lũ cụ thể là bao nhiêu bởi xót quá. Trước mắt, chắc chắn mất khoảng 6-7 tỷ đồng, còn không phải mất xấp xỉ 10 tỷ đồng và chỉ mong sao đỡ được chút nào hay chút ấy.
“Như đống khúc thiết mộc lan đang giâm này, rẻ nhất cũng mấy trăm triệu đồng, còn mỗi chậu thiết mộc lan này giá trung bình cũng 4-5 triệu đồng/chậu. Cây sống bằng nhựa, ngập ngọn là chết. Nếu không chết hết nhưng mỗi cây thiết mộc lan phải có ba bậc, ba mầm mới bán được, mất một mầm là trở thành vô nghĩa.
Có nhiều vườn còn nguyên chưa dọn cây nào, chắc phải mất cả tháng mới xong. Mấy hôm nay tôi không dám xuống đây nữa vì không dám nhìn mà chỉ cho công nhân dọn, nhưng hôm nay do anh Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch Hội nông dân xã gọi thì mới xuống. Đáng ra từ thời điểm này đến Tết là bán dần, còn từ đầu năm đến giờ toàn là bỏ tiền ra đầu tư. Tháng trước tôi có nói với vợ rằng: “Thôi yên tâm, từ tháng này đến Tết vợ chồng mình chỉ thu tiền, mỗi tháng được hơn 1 tỷ đồng thì cuối năm cũng được một mớ to”. Chứ ai nghĩ đến mức này?”, anh Chuyền nói.
Kinh nghiệm bao nhiêu năm cho thấy không còn hi vọng nữa rồi. 12 năm vợ chồng tôi tích góp, từ vườn nhỏ rồi thuê dần, mua dần mới thành 5 vườn to như bây giờ. Từ trước đến nay khi ra bãi tôi đã nghĩ là sẽ có ngày lũ sông Hồng về, chỉ sớm hay muộn thôi nhưng còn có con đê Trung Thủy Nông bao bọc. Tuy nhiên, mấy năm trước bên xã Phụng Công họ phá, hạ bớt cao độ con đê này đi để làm khu dịch vụ liền kề thì mới xảy ra như thế này.
Quan điểm của tôi là đã sản xuất ngoài bãi thì phải có đê bao, có hành lang thoát lũ chứ không thể khẳng định là có mấy con đập thủy điện trên thượng nguồn sông Hồng mà hết lũ được. Đợt lũ lụt này cũng là bài học cho các cấp lãnh đạo rút kinh nghiệm để làm lại con đê bao Trung Thủy Nông giúp bảo vệ sản xuất cho người nông dân”.
PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đã mấy lần về thực tế ở các làng hoa Xuân Quan và Phụng Công sau lũ lụt. Ông cho biết mình xuống đây để động viên bà con bằng cả hiện vật lẫn kiến thức khoa học, còn chuyện khôi phục lại sản xuất là cả vấn đề lâu dài: “Xuân Quan chủ yếu là hỏng cái trước mắt nhưng Phụng Công hỏng cả cái lâu dài bởi những cây hoa trà vài chục tuổi đến cả trăm tuổi mà chết đi sẽ mất đi nguồn gen quý giá. Chắc chắn những cây trà bị ngâm nước đó tỷ lệ chết phải cỡ 60%, còn nếu cứu được cũng phải mất hơn 1 năm mới phục hồi được. Tôi đã hướng dẫn cho người dân đầu tiên phải thoát nước cho khô, rồi rửa lá trà để chúng quang hợp, tưới thuốc kích thích ra rễ và che lưới đen để tránh chuyện đang mưa gặp nắng sẽ chết”.
Xuân Quan được công nhận là làng nghề hoa, cây cảnh năm 2017, hiện có khoảng 1.700 hộ theo nghề. Nhờ phát triển nghề hoa, cây cảnh mà đất nông nghiệp ở đây chỗ đẹp, thuận lợi về giao thông được chuyển nhượng ở mức giá 3 – 5 tỷ đồng/sào.
Nguồn: nongnghiep.vn