Xã Phụng Công mất khoảng 100-120 tỷ đồng
Trụ sở của UBND xã Phụng Công cũng thế. Trước đó, Văn Giang đã huy động toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của huyện và các xã, thị trấn cùng 500 người thuộc các xã trong đồng ra cứu trợ, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, di chuyển tài sản, hoa, cây cảnh tại các xã ngoài bãi nhưng không thể xuể.
Anh Nguyễn Văn Thu – Chủ tịch UBND xã Phụng Công sau mấy ngày chỉ huy phòng chống bão lụt da trở nên sạm đen. Diện tích đất nông nghiệp trồng hoa, cây cảnh ngoài bãi của xã vào khoảng 105 ha. Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giàn lưới khiến nhiều cái bị phá hủy, bị sập. Sau đó thì nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về ngập trắng cây bên dưới những giàn lưới này, gây thiệt hại gần như hoàn toàn.
“Làng nghề Phụng Công có hai loại cây, thứ nhất là hoa hàng năm, thứ hai là cây lâu năm, đặc trưng là trà, mộc, đỗ quyên, hải đường, có những cây 50-70 năm tuổi giá trị hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi ước tính có 100 ha thiệt hại cỡ 100%, với giá trị 1 tỷ đồng/ha thì tổng thiệt hại khoảng 100-120 tỷ đồng, nặng nhất là những nhà vườn trồng cây lâu năm, diện tích lớn như các anh Biên, anh Hoạch, anh Long, anh Tiến hay hệ thống giàn lan của nhà Hùng Lan.
Người dân cũng một phần chủ quan là chưa bao giờ nước sông Hồng dâng lên trên báo động 3 đến 51 cm như thế. Khi nước sông Hồng dâng lên cao gây vỡ đê bối của xã Xuân Quan (cùng huyện Văn Giang), xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) vào tối ngày 11/9, nó tiếp cận bãi của Phụng Công rất nhanh, chỉ 3 giờ sau đã có chỗ lên đến tận cổ rồi. Xã huy động toàn bộ lực lượng ngăn không cho người dân ra bãi di chuyển cây cối vào để đảm bảo tính mạng, đồng thời kêu gọi những người đang cố thủ ngoài bãi di chuyển vào nhưng vẫn có trường hợp cố tình ở lại.
Bảo vệ các xã ngoài bãi của huyện Văn Giang là hệ thống đê bối nhưng cao độ thấp, chỉ đảm bảo ở trên báo động 2 dưới báo động 3 mà thôi. Thứ nữa hệ thống đê bối này nhiều chỗ bị yếu, vừa rồi có những chỗ vỡ rộng đến 20 m. Cánh bãi của xã Phụng Công, Xuân Quan, thị trấn Văn Giang đang chủ yếu tiêu trên hệ thống cống Sơn Hô của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nên công tác phối hợp để vận hành rất khó khăn. Cống này rất nhỏ, thời gian tiêu ra cũng rất chậm. Khi nước bắt đầu tràn đến, một số gia đình di chuyển cây từ ngoài bãi vào trong đê để ở các sân trường, sân trụ sở UBND xã nhưng chỉ được khoảng 10%.
Xã đang thực hiện chỉ đạo của huyện là cho thống kê thiệt hại nhưng chính sách hỗ trợ cho đối tượng hoa, cây cảnh thiệt hại do thiên tai là chưa có bởi trong danh mục Nghị định 02 không có đối tượng này; thứ nữa là mức hỗ trợ với các cây trồng khác bị thiên tai cũng chưa đáp ứng được, quá thấp vì chỉ có 2 triệu đồng/ha.
Bởi thế Bộ NN-PTNT nên tham mưu cho Chính phủ để thay đổi Nghị định 02 này. Thêm vào đó nên có cơ chế mở, dùng ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện để hỗ trợ cho người dân chứ họ giờ không còn gì để tái sản xuất nữa rồi. Có những thứ bây giờ có tiền cũng không mua được ngay, như cây hàng năm có thể mua trong Nam ra hay nhập Trung Quốc về, còn cây lâu năm như trà, như đặc trưng của làng nghề phải mất rất nhiều thời gian mới phục hồi được”, anh Thu kiến nghị.
Hàng loạt xã vùng bãi sản xuất hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao như Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở của huyện Văn Giang từng là điểm sáng của nông nghiệp tỉnh Hưng Yên nhưng nay xơ xác, điêu tàn. Vực dậy nghề hoa, cây cảnh ở đây không phải chỉ là một yêu cầu chính đáng mà còn là một cứu cánh cho hàng vạn hộ dân.
Xã Xuân Quan mất khoảng 400-450 tỷ đồng
Anh Lê Mạnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quan những ngày này làm việc ở công sở mà trong lòng như có lửa đốt bởi khoảng 40% cán bộ ở đây cũng đi “hai chân”, một chân công chức, một chân chủ vườn. Như nhà anh có 2 mẫu hoa, cây cảnh thiệt hại sau bão số 3 và lụt ngập bãi sông Hồng ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Còn trên cục diện chung, toàn xã Xuân Quan có 250 ha trồng hoa, cây cảnh, tất cả đều ngoài bãi trong đó 170 ha ở bãi ngoài, thiệt hại ước tính 90%. Bên cạnh đó còn có khoảng 60-70 ha người dân trong xã đi thuê ở xã ngoài để trồng hoa, cây cảnh cũng bị thiệt hại nặng nề:
“Đã 22 năm nay mới có một trận lũ sông Hồng trên báo động 3 tới 42 cm như vậy. Xã có khoảng 1.700 hộ trồng hoa, cây cảnh, hiếm hộ nào thiệt hại dưới 100 triệu đồng, trong đó khoảng 1.500 hộ thiệt hại từ 150 triệu đồng trở lên. Tổng thiệt hại ước 400 – 450 tỷ đồng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên sự hỗ trợ lúc khó khăn này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người nông dân.
Tuy nhiên hoa, cây cảnh lại không nằm trong danh mục hỗ trợ thiên tai trong Nghị định 02. Bất cập đó đã 20 năm nay rồi. Năm 2004 khi thu hồi đất để thực hiện khu đô thị Ecopark thì Xuân Quan với Phụng Công cũng là 2 xã bị ảnh hưởng. Hồi đó Nhà nước không có danh mục hỗ trợ thiệt hại cho hoa cây cảnh. Tới nay cũng vẫn chưa có.
Đó là bất cập lớn bởi nếu tính về giá trị kinh tế của hoa, cây cảnh của xã Xuân Quan hiện tại phải gấp 10 lần năm 2004. Người dân chúng tôi khi làm vườn có lãi cũng không dám chi tiêu gì mấy mà toàn dồn vào tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Những người vừa sản xuất vừa buôn là “chết” to nhất đợt lũ này bởi toàn những cây có giá trị, số lượng nhiều như các gia đình Phong Tuyền, Cường Hướng, Chuyền Lạng, Quỳnh Chiên, Kiên Hiên… Thiệt hại mỗi hộ phải cỡ 5-7 tỷ đồng trở lên.
Cây lương thực nếu thoi thóp sau lũ còn có thể thu hoạch được nhưng đặc thù của hoa, cây cảnh là đồ chơi phải có lá đẹp, hoa đẹp, dáng đẹp. Nên cây nào thoi thóp thì thà bỏ đi, trồng cây mới còn hiệu quả kinh tế hơn là cứ chăm sóc chúng mà không bán được vì xấu”…
Theo báo cáo nhanh của các xã, thị trấn, huyện Văn Giang có 663 ha đất nông nghiệp bị lũ nhấn chìm, trong đó có trên 345 ha hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế rất cao của xã Phụng Công, Xuân Quan trước đó đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 gây sập giàn, tốc mái, dập nát và chết cây. Tuy nhiên còn có một cơn bão ngầm trong lòng của bà con ở đây là mặc cảm họ bị bỏ rơi trong cuộc hoạn nạn này.
Nhiều chủ vườn hoa, cây cảnh khi tôi tìm gặp để hỏi về con số thiệt hại đã không ngại nói thẳng rằng: “Trước đây đã mấy lần xã yêu cầu chúng tôi thống kê hoa, cây cảnh bị thiệt hại do thiên tai rồi cũng chẳng có chút hỗ trợ nào thì nay hỏi để làm gì cho thêm đau lòng ra?”
Vẫn biết là mất 100 đồng do thiên tai có khi chỉ được Nhà nước hỗ trợ 1 đồng nhưng chính 1 đồng đó tạo thêm cho họ một ít vật chất và rất nhiều nghị lực để mà vực dậy từ đống đổ nát mà tái sản xuất. Câu hỏi đặt ra là bao giờ?
Nguồn: nongnghiep.vn