Chưa có dẫn chứng, số liệu nào thực sự thuyết phục từ cơ quan quản lý về nguyên nhân thực sự khiến giá gà lông màu đì đẹt suốt từ 2020 tới nay. Thi thoảng đâu đó trong năm, cũng có lúc giá gà sôi động được vài tháng nhưng “niềm vui thường ngắn chẳng tay gang”.
Âm hưởng chính của người nuôi lẫn người làm giống gà lông màu trong 4 – 5 năm qua chủ yếu là từ hòa đến lỗ. Và trong bối cảnh thị trường gia cầm ảm đạm đó, bỗng xuất hiện giống Mía số 1-Dabaco giúp kéo lại chút hy vọng cho thị trường gia cầm nội.
Nuôi gà 10 năm có lẻ, gia đình bà Trần Thị Sự, ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, nếu nói giá bán gà thịt Mía số 1 đi ngược thị trường là không đúng, giống gà này cũng lên xuống theo quy luật chung của cung cầu thị trường, nhưng người nuôi Mía số 1-Dabaco may mắn đến thời điểm này chưa bị lỗ.
Theo phân tích của gia đình bà Sự, nuôi giống Mía số 1-Dabaco từ 2021, thời điểm giống gà này mới ra mắt thị trường, có lúc gia đình bà bán được Mía số 1-Dabaco hơn 100.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ trên 50.000 đồng/kg một chút nên có những lứa gà lãi cả trăm triệu đồng.
Các năm sau đó, thị trường gà lông màu rơi vào suy thoái do cung vượt cầu quá lớn, trong khi các giống gà lông màu khác như ta lò, Hồ lai lâm cảnh “3 tháng lãi, 7 tháng lỗ, 2 tháng hòa” thì người nuôi Mía số 1 Dabaco vẫn duy trì được biên lợi nhuận tốt khi giá xuống nhấp nhất cũng trên 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bước sang những ngày đầu năm 2025, giá gà thịt lông màu xuống sâu kỷ lục, các giống ta lò, Hồ lai hiện dao động 38.000 – 43.000 đồng/kg, dưới giá thành rất sâu. Với giá này, người chăn nuôi trình độ tay nghề có cao đến mấy cũng không thoát cảnh thua lỗ.
Không nằm ngoài “con sóng” suy thoái của mảng gà lông màu, hiện giá bán gà thịt Mía số 1 Dabaco cũng xuống dưới 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình bà Trần Thị Sự khẳng định, tính từ đầu năm đến nay người nuôi Mía số 1 chỉ giữ lại được chút lợi nhuận mỏng. Nhưng vợ chồng bà Sự vẫn cảm thấy hài lòng bởi trong khi phần lớn người nuôi gà đều đang lỗ mà gia đình ông bà vẫn chưa bị âm vào vốn là một sự may mắn.
Cũng đang trong cảnh thị trường gia cầm lông màu ảm đạm “chợ chiều”, nhưng anh Trần Văn Tuấn, ở xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn rất tự tin khi trong chuồng của gia đình anh 100% là giống Mía số 1.
Anh Tuấn tâm sự, giá gà tại Thái Nguyên luôn nhỉnh hơn Vĩnh Phúc nên anh đang xuất bán Mía số 1 Dabaco với giá 62.000 – 65.000 đồng/kg. Với giá này, anh Tuấn đùa rằng, Tết này gia đình anh vẫn “bánh chưng nhân có thịt” bởi gần 2 vạn Mía số 1-Dabaco anh có để lại để ăn Tết và biếu tặng một phần vẫn còn lợi nhuận khá. Còn thị trường chỉ nhỉnh thêm vài giá nữa đàn Mía số 1 của anh lại cho một cái Tết ấm.
Nhưng điểm anh Tuấn kết nhất ở giống Mía số 1-Dabaco ngoài màu sắc, ngoại hình, khả năng tăng trưởng, chất lượng thịt thơm ngon thì giống gà này nếu lỡ có phải nuôi dài ngày cũng đỡ lo mất giá. Theo anh Tuấn, các giống ta lò, Hồ lai, ta lai khi đạt 100 – 105 ngày tuổi mà thị trường chậm chưa bán được gà ăn rất tốn cám mà giá bán chỉ giảm do gà tích mỡ.
Ngược lại, Mía số 1-Dabaco lỡ không may thị trường chậm, gà phải nuôi thêm ngày chờ bán hết giá lại tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian nuôi. Tất nhiên, ai cũng mong bán Mía số 1 ở thời điểm từ 3 tháng 20 ngày đến 4 tháng để tối ưu hóa lợi nhuận. Nhưng với thị trường gà lông màu khốc liệt và luôn biến động rất nhanh như hiện nay, việc có thêm một điểm mạnh để cạnh tranh về thời gian nuôi như Mía số 1-Dabaco cũng là một điểm cộng cho người nuôi.
Trong khi người nuôi Mía số 1 Dabaco thích và kết giống gà này bởi mang lại lợi nhuận, may mắn, ổn định, bền vững cho gia chủ thì đội ngũ thương lái lại yêu Mía số 1 bởi bán rất chạy hàng.
Anh Phạm Ngọc Bính, thương lái chuyên bán gà lông màu tại chợ Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) khẳng định, Mía số 1-Dabaco hiện chiếm khoảng 40 – 45% thị phần số gà bán tại chợ này. Sở dĩ giống gà này đắt hàng đến vậy theo anh Bính bởi mẫu mã Mía số 1-Dabaco bắt mắt không chê vào đâu được. Đặc biệt, Mía số 1 đạt cân, thịt ngọt, thơm ngon, lườn dầy, chân nhỏ lại có thêm tí mỡ giắt nên được người tiêu dùng, nhất là các đám cỗ ưa chuộng.
Đi bắt gà khắp vùng Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ,… anh Bính tâm sự rất vui khi thấy những người nuôi Mía số 1-Dabaco cơ bản đều có lãi. Bản thân anh Bính nói thật lòng, anh và các thương lái luôn mong giá gà thịt tốt để người nuôi có công, người bán như anh cũng chạy hàng.
“Đi bắt gà mà gia chủ thua lỗ, mặt như đưa đám cánh thương lái chúng tôi cũng chả vui vẻ gì, nhiều khi bắt xong đi luôn không nán lại uống chén nước. Nhưng từ ngày bắt giống Mía số 1 tôi thấy vui vẻ hơn hẳn bởi đa phần những hộ nuôi giống gà này đều có được niềm vui dù lúc ít, lúc nhiều.” Anh Bính bộc bạch.
Cùng chung quan điểm anh Bính, anh Lê Ngọc Giang, thương lái bán gà chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) cho hay, Mía số 1-Dabaco kể từ khi xuất hiện trên thị trường đã tạo ra sự khác biệt bởi sở hữu chất lượng thịt đẳng cấp của giống Mía Sơn Tây nhưng lại có được sự tăng trưởng, FCR và hiệu quả kinh tế từ các giống gà thiên về năng suất.
Tất nhiên, anh Giang khẳng định Mía số 1-Dabaco bán luôn thấp hơn Mía Sơn Tây một vài giá nhưng chất lượng thịt ngang ngửa, còn riêng về hiệu quả kinh tế Mía số 1-Dabaco hơn hẳn Mía Sơn Tây bởi thời gian nuôi rút ngắn so với Mía Sơn Tây 30 – 35 ngày. Hiện, mỗi ngày anh Giang xuất bán đều đặn ở chợ Hà Vỹ khoảng 4 tấn Mía số 1-Dabaco.
Có thể nói, thị trường gia cầm lông màu tại Việt Nam chưa bao giờ phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Sự cạnh tranh này đến từ phía các doanh nghiệp FDI với nguồn lực khổng lồ “đánh phủ đầu và tấn công trực diện” hay từ thị trường ngách gà nhập lậu Trung Quốc luôn tìm mọi cách, rình rập từng thời điểm lơ là của lực lượng chức năng để thẩm lậu vào nội địa tranh thủ kiếm của bà con chăn nuôi trong nước đôi đồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành chăn nuôi ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và đặc biệt là sự tuân thủ, thượng tôn các quy định của pháp luật hiện nay, chính người chăn nuôi cũng phải tự nâng cấp và chuẩn hoá mình để chuyên nghiệp dần. Bởi chăn nuôi không thể bắt kịp xu thế của thế giới trên nền tảng giống gà lậu được, bởi rủi ro pháp lý, dịch bệnh luôn thường trực và cái giá không đáng để người chăn nuôi, thương lái hay người dân Việt Nam phải đánh đổi.
Nguồn: nongnghiep.vn