Khó tăng năng suất, chất lượng cây trồng trong mùa hạn
Huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là địa phương ven biển có thế mạnh trồng cây ăn trái với quy mô khoảng 5.200ha, chủ lực là cây dừa có khả năng thích ứng tốt với điều kiện hạn mặn. Diện tích dừa chiếm trên 50% tổng diện tích cây ăn trái của huyện, còn lại là xoài và nhãn.
Đặc thù của vùng miệt biển này là mỗi ngày có 2 con nước, từ lúc nước bắt đầu lớn cho đến khi nước ròng chỉ vài giờ đồng hồ. Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm, người dân địa phương dễ dàng canh được thời điểm phù hợp để lấy nước ngọt vào tích trữ trong mương vườn.
Hơn nữa, vùng trồng cây ăn trái cách xa cửa biển từ 40 – 50km nên nước mặn không xuất hiện thường xuyên và liên tục. Vì vậy trong 2 đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào năm 2015 – 016 và 2019 – 2020, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện không bị thiệt hại lớn.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành kế hoạch ứng phó, phòng chống hạn mặn. Trong đó, giải pháp phi công trình được chú trọng tập trung thực hiện hiện nay là quan trắc, đo độ mặn định kỳ để kịp thời tuyên truyền đến người dân. Từ đó, bà con sẽ chủ động kiểm tra nguồn nước và tích trữ để sử dụng tưới cho vườn cây.
Đối với diện tích trồng xoài và nhãn tập trung chủ yếu tại xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, đây là những xã đầu cồn, có hệ thống đê bao và cống bọng cơ bản hoàn chỉnh nên đảm bảo việc ngăn mặn và trữ ngọt cho người dân sản xuất cây ăn trái.
Ông Đắc cho biết thêm, thời điểm này các vườn cây ăn trái đang trong giai đoạn thu hoạch hoặc sau thu hoạch. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng, trước đó ngành nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, khuyến cáo bà con chủ động tích trữ nước trong mương, vườn, làm túi trữ ngọt hoặc thông qua hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nguồn nước. Nhờ đó, việc chống hạn cho vườn cây ăn trái của huyện Cù Lao Dung vài năm trở lại đây không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, về lâu dài, nhất là với những dự báo diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong năm 2024 diễn biến phức tạp, công tác ứng phó sẽ gặp khó khăn nhất định. Do hệ thống đê bao của huyện hiện chưa khép kín, việc trữ nước chỉ phát huy hiệu quả ở khu vực khoảng 300ha đang trồng xoài.
Còn lại, gần 200ha đang trồng nhãn, huyện chỉ bố trí được hệ thống cống khép kín hơn 3km. Các vùng khác tuy có đầu tư đê sông, đê tả hữu, nhưng các đê đi ngang rạch vẫn còn những rạch hở, chưa khép kín do phục vụ cho công tác vận chuyển, nước mặn vẫn có khả năng xâm nhập vào nội đồng. Do đó, bà con nông dân muốn tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái vào mùa khô hạn là rất khó, chỉ canh tác cầm cự.
Huyện Cù Lao Dung hiện có khoảng 70 – 80ha trồng khoai lang đang trong giai đoạn thu hoạch, nguy cơ bị ảnh hưởng nếu hạn mặn diễn biến bất thường. Tại những vùng trồng này, UBND huyện đã đầu tư hệ thống cống giúp điều tiết nguồn nước ngọt cho bà con. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể đảm bảo an toàn cho vùng sản xuất khoai lang trong vòng 1 tuần. Vì thế, bà con cần tận dụng các giải pháp trữ nước trong mương vườn để có nước ngọt phục vụ tưới.
Tập trung thủy lợi đa năng
Là một trong những địa phương ven biển ở ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh nằm giữa hai con sông lớn là Cổ Chiên và sông Hậu. Đặc điểm địa hình này khiến địa phương chịu tác động của triều biển Đông và dòng chảy từ thượng nguồn đổ về sông Mê Kông.
Trà Vinh luôn nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là vào thời điểm mùa khô, mặn xuất hiện từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Ranh mặn 4 phần nghìn trên các sông chính thường xuất hiện cách cửa sông từ 50 – 60km đúng vào mùa khô.
Rõ nhất, đợt hạn mặn mùa khô năm 2020 đã khiến địa phương này thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 270ha cây ăn trái trong tỉnh thiệt hại trên 30% diện tích.
Nhận định nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng đầu năm 2024 có thể tương đương mùa khô năm 2015 – 2016 và 2019 – 2020, UBND tỉnh Trà Vinh đã đưa ra 2 kịch bản ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Kịch bản 1, khi cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu từ 25 – 50km tính từ cửa sông và kịch bản 2 khi cửa 2 con sông chính bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4‰ xâm nhập vào sâu hơn 50km tính từ cửa sông.
Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh hiện đang tập trung thực hiện các công trình thủy lợi theo hướng đa chức năng. Vừa đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, vừa cung cấp nước cho sinh hoạt của người dân. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý để khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh, phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm…
Đặc biệt, Trà Vinh đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các công trình chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp trong năm 2024. Cụ thể là 34 cống điều tiết thủy lợi nội đồng và nạo vét 17 kênh trục, kênh thủy lợi cấp II, I. Đối với các công trình thủy lợi nội đồng trực tiếp địa phương quản lý, ngành nông nghiệp tiến hành nạo vét với tổng số 384 công trình, tổng chiều dài trên 315km và 12 công trình bờ bao.
Theo thống kê, các địa phương có số công trình kênh nội đồng triển khai nhiều là huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và Cầu Kè.
Trong năm 2023, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành 380/380 công trình thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 280km, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong vùng có điều kiện bơm tát lấy đủ nước cung cấp cho sản xuất.
Song song đó, công trình trạm bơm Kênh 3/2 giáp ranh địa bàn hai xã Phước Hưng (huyện Trà Cú) và xã Ngãi Hùng (huyện Tiểu Cần) đã hoàn thành, đưa vào vận hành trong đầu mùa khô này. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước ngọt cho gần 26.000ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Theo ghi nhận thực tế, những ngày đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Cầu Kè đã ghi nhận tình trạng nước mặn lấn sâu vào các cống nằm ven sông Hậu ở Ninh Thới (giáp thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần), Hòa Tân, An Phú Tân (khu vực cống Bông Bót).
Xí nghiệp Thủy nông huyện Cầu Kè đã thông báo tình hình đến người dân địa phương và thực hiện đóng triệt để các cửa cống. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành lắp đặt 11 bảng hiệu tại các cống lấy nước vào nội đồng, ghi chú cụ thể các chỉ số mặn để người dân trong khu vực kịp thời nắm bắt và có kế hoạch chủ động lấy nước tích trữ cho vườn cây ăn trái…
Là địa phương thường bị thiếu nước tưới vào mùa khô, ngành nông nghiệp huyện Cầu Kè thường xuyên nạo vét, khơi thông các tuyến kênh nội đồng giúp nông dân tích trữ nước ngọt. Kết hợp với hệ thống cống Bông Bót được đầu tư và đóng kín đã giúp việc sản xuất cây ăn trái của người dân địa phương thuận lợi, mương vườn tích trữ đủ nguồn nước ngọt.
Địa phương cũng khuyến cáo bà con không sản xuất tự phát, trái lịch thời vụ ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới, cân đối nguồn nước cần thiết trong thời gian ảnh hưởng hạn mặn để chủ động tích trữ nước ngọt tưới cho cây trồng.
Nguồn: nongnghiep.vn