Đa dạng giải pháp giữ nước ngọt
Tiền Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với diện tích trên 86.000ha. Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, năm nay địa phương còn khoảng 35.000ha cây ăn trái chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn, bao gồm sầu riêng, cây có múi, vú sữa…
Có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mặn và cần được bảo vệ là khu vực thuộc các xã cặp sông Tiền từ xã Phước Thạnh (TP Mỹ Tho) đến xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), chủ yếu là cây sầu riêng với diện tích 22.000ha.
Bên cạnh các giải pháp công trình, ngành chức năng đã hướng dẫn, tuyên truyền người dân nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước, ứng phó xâm nhập mặn cũng như thực hiện các giải pháp kỹ thuật đã đúc kết từ những năm qua.
Cù lao Ngũ Hiệp thuộc huyện Cai Lậy là địa phương trồng chuyên canh cây sầu riêng sớm nhất của tỉnh với diện tích gần 1.500ha, 100% diện tích này đang trong thời kỳ kinh doanh.
Những năm xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, địa phương này thường xuyên bị nước mặn tấn công từ sông Tiền và cả sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Đáng quan tâm là hiện nay, xã Ngũ Hiệp chỉ mới xây dựng được 3/8 cống ngăn mặn, chống triều cường.
Thời điểm này, dù nước mặn chưa xâm nhập đến địa bàn nhưng chính quyền và nhân dân cù lao Ngũ Hiệp đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn có thể xảy ra trong mùa khô đang cận kề.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, bên cạnh thực hiện các giải pháp công trình là đắp các đập tạm, nhiều giải pháp phi công trình cũng được nông dân cù lao đẩy mạnh ứng dụng như nạo vét kênh mương, đào ao, lót bạt tích trữ nước ngọt, không để cây mang trái vào mùa khô hạn, dùng cỏ khô che phủ gốc cây để giảm thất thoát hơi nước…, nhất là chú trọng tiết kiệm nước tưới tiêu.
Về giải pháp kỹ thuật, bà con nông dân cần chú trọng xử lý cây ra hoa, cho trái nghịch vụ với tỷ lệ thực hiện chiếm khoảng 70%. Theo kinh nghiệm, hàng năm bà con thường lựa chọn xử lý ra hoa một trong hai vụ sầu riêng. Vụ thuận thường có thời điểm thu hoạch vào khoảng tháng 3 – 5 âm lịch. Vụ nghịch thường kết thúc thu hoạch trước Tết Nguyên đán.
Năm nay, các nhà khoa học dự báo hạn mặn xâm nhập sâu nên đa số bà con chuyển hướng sang mùa nghịch, thu hoạch xong vào khoảng tháng Chạp. Khi nước mặn tới, cây đã ra được 1 – 2 cơi đọt nên đã khỏe mạnh hơn. Còn nếu để ra trái mùa thuận, bà con sẽ xử lý ra hoa vào khoảng tháng 11 – 12, ra giêng cây mang trái ngay mùa hạn mặn sẽ dễ suy kiệt dẫn đến chết cây. Nếu tình hình hạn mặn gay gắt, bà con sẽ cân nhắc bỏ vụ 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Minh, nhà vườn có 8 công sầu riêng đang cho thu hoạch tại ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) chia sẻ, rút kinh nghiệm từ các năm trước đây nên công tác chủ động trữ nước chống hạn được ông rất quan tâm.
Sau khi thu hoạch xong lứa sầu riêng này, ông tiến hành các bước phục hồi cho cây nhằm tăng cường sức chống chịu nếu không may nước mặn xâm nhập sâu.
Đặc biệt, ông đã gia cố đê bao, kiểm tra kỹ cống bọng và theo dõi sát sao tình hình dự báo xâm nhập mặn để nhanh chóng tích đầy nước trong mương vườn khi độ mặn tăng cao.
“Vườn của mình có ống bọng đậy kỹ càng, nếu có mặn mình canh lúc nước ròng, mặn bị đẩy về phía hạ nguồn, độ mặn giảm mới lấy nước bổ sung. Thứ hai nữa là sử dụng nước giếng pha để giảm độ mặn. Những năm trước sầu riêng chết là do gia đình chủ quan, còn bây giờ biết rồi thì không sợ đâu”, ông Nguyễn Văn Minh nói.
Còn ông Trình Văn Sỹ, nhà vườn trồng 1ha sầu riêng tại ấp Tân Đông cũng cho biết, từ đầu năm ông đã đào ao trữ nước và lắp đặt các mô tơ để bơm tưới tiết kiệm phục vụ trong mùa khô này.
Nếu mặn lên, ông chỉ cần đóng bọng lại, lượng nước tích trữ trong ao, mương sẽ cầm cự được trong 1 tháng. Khi sử dụng hết lượng nước trữ mà mặn chưa rút thì ông sẽ thuê ghe chở nước ngọt về cấp bổ sung vào các mương, không để khô đáy mương, tránh xì phèn.
Theo ghi nhận tại vườn ông Sỹ, hầu hết các hệ thống phục vụ việc trữ nước đã được áp dụng. Qua theo dõi các thông tin dự báo, ông Sỹ đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng để bảo vệ vườn, bởi nếu sơ suất, nước mặn tràn vào vườn, thiệt hại không thể tránh khỏi.
Đầu tư các giải pháp công trình
Về giải pháp công trình ngăn mặn cho xã Ngũ Hiệp, trước mắt, chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị huyện, tỉnh cho xây dựng 5 cống ngăn mặn dã chiến với kinh phí khoảng 6 tỷ đồng và khoan thêm 2 giếng tầng sâu để giúp địa phương ứng phó với hạn mặn mùa khô sắp tới.
Ngoài ra, chính quyền, đoàn thể xã cũng tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp công trình, phi công trình để bảo vệ vườn cây đặc sản, cũng là kinh tế chính của gần 100% hộ dân nơi đây.
Bà Nguyễn Hồng Thương, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết, xã đã tuyên truyền người dân tích trữ nước, che phủ cỏ để giữ ẩm gốc cây, tưới tiết kiệm nước. Ngoài ra, tiến hành sửa chữa các tuyến đê, các nắp cống bị hư hỏng để khi có thông báo hạn mặn xảy ra thì đóng các cống, đê lại để khép kín. Hiện nay, người dân trong xã đã áp dụng giải pháp xử lý cây sầu riêng nghịch vụ nên sẽ né được các tháng hạn mặn sắp tới.
Theo bà Võ Thị Kim Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, qua thực tế sản xuất và kinh nghiệm phòng chống hạn mặn trong mùa khô 2019 – 2020, các kỹ thuật đặc biệt quan trọng, cần phải được tuân thủ áp dụng để bảo vệ cây ăn trái trong mùa khô gồm: Ngăn mặn, trữ ngọt; tăng cường khả năng chống chịu của cây; luôn giữ mực nước trong mương vườn khoảng 20 – 30cm; không để cây mang trái quá nhiều; giữ ẩm cho đất, giảm lượng nước tưới và các giải pháp khác như tỉa cành tạo tán, phòng trừ bệnh cho cây…
Ngành nông nghiệp địa phương cũng khuyến cáo bà con nông dân theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về diễn biến hạn, xâm nhập mặn để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô.
Ngoài ra, cần tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3; thường xuyên tổ chức trục vớt, trục đẩy lục bình, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch.
“Theo dõi độ mặn để lấy nước ngọt phải kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước để tưới cho cây phù hợp với khả năng chịu mặn của từng loại cây trồng. Đồng thời, chọn thời điểm thích hợp để lấy nước ngọt theo khuyến cáo, không để mương vườn bị khô kiệt, không cho phèn có điều kiện hoạt động ảnh hưởng đến cây trồng”, bà Phương khuyến cáo.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực của nhà vườn xã Ngũ Hiệp nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung. Do đó, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cần quan tâm, hỗ trợ trong công tác phòng chống hạn mặn để bảo vệ an toàn vườn cây đặc sản nơi đây.
Ngày 15/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 04/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Công điện nêu rõ, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 – 4) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Để chủ động ứng phó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu tài nguyên nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp…
Nguồn: nongnghiep.vn