Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An là Khu DTSQ lớn nhất Việt Nam (được Unesco công nhận vào ngày 18/9/2007), đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đồng thời bảo vệ nguồn nước của 3 con sông lớn là sông Hiếu, Nậm Nơn và Nậm Mộ. Khu vực này có độ che phủ rừng đạt 66,4%. Khu DTSQ không chỉ dừng lại ở khía cạnh bảo tồn sinh học mà con góp phần duy trì sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư.
Bên cạnh những thành tựu thì khu DTSQ miền Tây Nghệ An đối mặt với những thách thức từ quá trình suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu và áp lực từ các hoạt động kinh tế. Từ cơ sở đó thấy rằng dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển KT-XH và quản lý lý các khu dự trữ sinn quyển ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án BR) thực sự cấp thiết.
Cơ quan chủ quản là Bộ TN-MT, chủ dự án là Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Dự án BR tại Nghệ An được thực hiện trên địa bàn Khu DTSQ miền Tây Nghệ An với 3 vùng lõi (Vườn quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống và Pù Hoạt) và 9 huyện vùng cao.
Ngày 26/12, phát biểu tại Hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An khẳng định, trong bối cảnh nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và ngân sách chưa cân đối được đầy đủ, dự án BR với sự đầu tư trọng tâm và có trọng điểm đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại Nghệ An, vừa giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của Khu DTSQ, lại góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại 9/11 huyện thuộc khu vực miền Tây.
Xuyên suốt quá trình thực hiện, dự án BR đã lựa chọn các nội dung phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển và Di sản thiên nhiên. Dự án cũng tổ chức lựa chọn được đơn vị tư vấn có năng lực, qua đó triển khai hiệu quả 19 hoạt động trọng tâm.
Trên thực tế, dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đến số đông đồng bào, nhất là cộng đồng dân cư tại những vùng hưởng lợi. Nhìn rộng ra, năng lực quản lý và nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học được cải thiện rõ rệt thông qua 56 cuộc tuyên truyền, tập huấn với sự tham gia của gần 7.000 cán bộ quản lý và người dân.
Đặc biệt, dự án đã triển khai thành công nhiều mô hình sinh kế, qua đó tạo tiền đề để nhân rộng. Một số mô hình tiêu biểu như trồng dược liệu dưới tán rừng, nuôi ong lấy mật, phát triển du lịch sinh thái bước đầu cho kết quả ấn tượng, điều này góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khá bền vững, cũng như giảm tải rõ rệt nhu cầu xâm lấn tài nguyên rừng và hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Số đông chuyên gia chung nhận định, dự án BR đã đạt được các mục tiêu đề ra, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai sâu rộng các chương trình bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An. Các hoạt động của dự án đã tác động tích cực đến các huyện thuộc Khu DTSQ, nâng cao năng lực quản lý rừng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái và các hoạt động kinh tế bền vững khác.
Đây là nền tảng vững chắc để Nghệ An tiếp tục lồng ghép các mục tiêu phát triển KT-XH với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới quá trình phát triển bền vững dài lâu.
Nguồn: nongnghiep.vn