Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa to lớn với thế giới khi có thể giảm 40% lượng khí thải vào năm 2050 và giảm hơn 2 tỷ tấn chất thải rắn mỗi năm.
Nghị định 08/2022/NĐ-CP cũng chỉ rõ 3 trụ cột của kinh tế tuần hoàn. Đó là: sử dụng hiệu quả tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chết phát sinh chất thải.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, đồng thời xây dựng, ban hành nhiều hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện, cũng như chia sẻ dữ liệu, vận hành các nền tảng kết nối.
Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 687/2022/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh vai trò tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nề kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cùng với đó, tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc bên ngoài, góp phần đảm bảo hài hòa giữa sự thịnh vượng về kinh tế với bền vững môi trường, công bằng xã hội, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.
Hiện Việt Nam xây dựng nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn trong nông nghiệp, có 4 mô hình phổ biến: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải chăn nuôi, trồng trọt; Kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, mô hình nông lâm kết hợp; Lấy phế phụ phẩm trồng trọt làm chất xúc tác; Mô hình tiết chế hóa.
Các khu công nghiệp theo định hướng sinh thái cũng được nghiên cứu thí điểm tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ giai đoạn 2015-2019, và đang triển khai tiếp tại TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng. Gần 1.000 giải pháp tiết kiệm năng lượng đã được đưa ra.
“Chúng ta cần mở rộng những mô hình như vậy”, ông Thọ nói và nhấn mạnh rằng, các bên tham gia có nhiều cơ hội khi dòng vốn tài chính xanh ngày càng mạnh mẽ, áp lực chuyển đổi từ các FTA thế hệ mới, nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Tại phiên toàn thể của diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhìn nhận, Việt Nam đã và đang là một thành viên tham gia tích cực, có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bên cạnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Việt Nam đã lồng ghép phát triển kinh tế hoàn vào các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan đều ủng hộ những chương trình này.
Về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Thứ trưởng thông tin, sẽ thể chế, cụ thể hóa trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối; đồng thời quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
Kế hoạch cũng đề ra một số phương án thúc đẩy quan hệ hợp tác, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các hỗ trợ tài chính, công nghệ để triển khai kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng.
“Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, đồng thời thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn”, ông bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi sự quan tâm, vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, coi đây là động lực dẫn dắt thực hiện kinh tế tuần hoàn, nhất là nhóm doanh nghiệp tiên phong.
Đồng tình quan điểm này, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nêu 4 ưu tiên mà Việt Nam cần thực hiện để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn.
Thứ nhất, lồng ghép thiết kế sinh thái, tuần hoàn vào các chính sách và đưa những mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình thực hiện.
Thứ hai, ưu tiên các ngành chính như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng để giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững.
Thứ ba, đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý, góp phần hạn chế rào cản và thúc đẩy đổi mới. Cuối cùng, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm, bên cạnh thúc đẩy quan hệ với đối tác quốc tế.
Nguồn: nongnghiep.vn