Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai hóa đơn điện tử trong bán lẻ xăng dầu: Thực trạng và giải pháp” do báo Tiền Phong tổ chức chiều 26/12 tại TP.HCM.
Theo nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Đến ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
“Việc Thủ tướng liên tiếp có 2 công điện rốt ráo yêu cầu ngành thuế triển khai chủ trương cho thấy, sự quan tâm rất lớn của Chính phủ trong đẩy mạnh các hoạt động triển khai liên quan đến tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu”, ông Sưởng nói.
Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, từ năm 2023, Tổng Cục Thuế tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền tại các nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, triển khai hóa đơn điện tử với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đến thời điểm cập nhật mới nhất có trên 3.000 cửa hàng thực hiện việc này.
Hiện cả nước có hơn 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó 6.000 cửa hàng thuộc khối nhà nước, 10.000 cửa hàng thuộc khối tư nhân. Bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 20,5-21 triệu m3 xăng dầu. Như vậy, nếu nhân với số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ theo chủ trương mới sẽ lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới được phát hành mỗi tháng.
Trong khi đó, hiện mới có 2 doanh nghiệp thuộc khối nhà nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) thực hiện xuất hóa đơn điện tử (2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% cả nước).
Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu khác cho rằng, các quy định khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị, máy móc, trong khi có thể người tiêu dùng không mặn mà với việc xuất hóa đơn, dẫn đến lãng phí…
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã nêu những thực trạng, khó khăn, vướng mắc và cả những bất cập đang phát sinh trong việc triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh xăng dầu tại các địa phương, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai cho rằng, việc triển khai hóa đơn điện tử phía doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ tiền ra đầu tư, hạ tầng chưa tương thích, cơ sở kinh doanh chưa đồng bộ và chưa tương thích trong chuyển đổi số.
“Một trạm xăng phải bỏ ra 70 triệu đồng để đầu tư việc triển khai hóa đơn điện tử này. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, hệ thống phần mềm, hóa đơn là do các doanh nghiệp tự đầu tư hay do cơ quan Nhà nước cung cấp và trong trường hợp bị trục trặc kết nối thì ai sẽ chịu trách nhiệm”, ông Phụng nêu.
Theo ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam Lâm Đồng, trước đây, chi phí bình quân về việc xuất hóa đơn của một cửa hàng khoảng 1 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận báo giá của các công ty phần mềm, cung cấp hóa đơn điện tử với chi phí từ 100 – 165 triệu đồng/năm.
“Mức đầu tư này cao gấp hơn 100 lần so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng dẫn đến làm đội chi phí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tiện ích của hóa đơn điện tử có thể tra cứu nhưng độ an toàn trong quá trình lưu trữ có đảm bảo”, ông Phương đặt vấn đề.
Theo ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, không chỉ có hóa đơn điện tử và xăng dầu, mà toàn quốc đang sử dụng hóa đơn điện tử và kết nối vào cơ sở dữ liệu.
“Hóa đơn điện tử áp dụng với xăng dầu cũng như các hóa đơn bán các mặt hàng khác. Nếu có vướng mắc trong quá trình sử dụng, có trục trặc đến đâu chúng tôi sẽ cùng với các nhà cung cấp giải pháp và các đơn vị trung gian, tiếp nhận thông tin và sẽ xử lý kịp thời ngay.
Chúng tôi có đường dây nóng, có trung tâm công nghệ với các giải pháp vận hành để xử lý tất cả các vấn đề liên quan, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để chậm trễ.
Hệ thống hóa đơn điện tử khá hiện đại, có phương án dự phòng nên có khả năng hạn chế và tránh được các nguy cơ nghẽn mạng, sập mạng hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp”, lãnh đạo Tổng Cục Thuế nói.
Nguồn: nongnghiep.vn