Vụ đông thu hơn 30 tỷ đồng từ cây ớt
Bố mẹ để lại cho vợ chồng ông Khương Văn Cường 4 sào đất tại thôn Bùi Thượng, xã Yên Phú (Yên Định, Thanh Hóa) làm vốn để lập nghiệp. Đến nay, ông vẫn theo gót cha ông, chọn ớt làm cây trồng chủ lực dù giá cả có lúc bấp bênh.
Ông bảo từ xưa, dân trong thôn cứ mở mắt ra là thấy cánh đồng ớt trải dài tít tắp. Chả riêng gia đình ông, cả làng Bùi Thượng đều sống nhờ cây ớt mấy mươi năm nay. Từ chuyện học hành đến dựng vợ gả chồng, xây nhà cửa đều từ cây ớt mà ra. Mấy đứa con khuyên vợ chồng ông nghỉ việc đồng áng, nhưng ông không chịu. Ông Cường bảo: “Làm nông đã ăn vào máu nên khi nào còn sức thì còn làm”.
Ông Cường chăm ớt đúng nghĩa vạch lá tìm sâu. Ruộng ớt của gia đình ông lúc nào cũng sạch cỏ dại. Đầu bờ, ông trữ mấy tạ phân chuồng ủ hoai mục để bón cho ớt mỗi khi cần.
Nói về kỹ thuật trồng ớt, có lẽ ở làng Bùi Thượng không ai qua được ông Cường: “Người trồng ớt phải hiểu đặc tính cây trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Đất trồng ớt phải được cày và phơi ải để tăng độ tơi xốp, sau đó lên luống rồi dùng phân chuồng ủ hoai mục rải đều và phủ bạt giữ độ ẩm. Trong quá trình chăm sóc phải bón phân cân đối, đúng, đủ dinh dưỡng để giúp cây ớt không bị rụng hoa, thối trái. Bên cạnh đó, ớt dễ nhiễm bệnh héo xanh, có thể gây chết cả vườn nên phải hết sức lưu ý phòng bệnh”.
Ruộng ớt của gia đình ông Cường khi nào cũng tốt tươi và đạt năng suất từ 7 – 8 tạ/sào. Có năm giá ớt lên cao, ông và dân làng Bùi Thượng trúng đậm.
Ông Cường nhẩm tính: “Trồng lúa bây giờ không có lãi vì công thuê mướn cấy, cày đắt đỏ. Trồng ớt tuy tốn công chăm sóc nhưng cho giá trị kinh tế cao hơn. Với 4 sào ớt, năm nào được mùa, được giá, gia đình thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đến vụ thu hoạch chỉ cần ra ruộng hái là có người đến tận ruộng thu mua. Từ xưa tới nay, ở cái làng này chưa thấy ai trồng ớt mà kêu lỗ cả”.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu ớt, những năm qua, UBND xã Yên Phú đã chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng ớt theo hướng sản xuất hàng hóa, thúc đẩy liên kết để tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch ớt cho nông dân. Hiện nay, xã Yên Phú có hơn 100 hộ trồng ớt trên diện tích 60ha, đồng thời cũng là địa phương có diện tích trồng ớt theo hướng hàng hóa lớn nhất huyện Yên Định.
Ông Lê Trọng Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch dịch vụ nông nghiệp xã Yên Phú cho biết, hiện nay, đầu ra cây ớt rất thuận lợi. Sản phẩm của nông dân đều được thương lái bao tiêu toàn bộ ngay tại ruộng.
“Trồng ớt vụ đông hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa và cây rau màu khác. Có thời điểm giá ớt lên cao tới 90.000 – 100.000 đồng/kg nên nhiều bà con thắng đậm, kinh tế dư giả. Mỗi sào ớt lúc được giá có thể mang về thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng. Kể cả lúc giá ớt xuống thấp nhất thì vẫn hơn thu nhập từ trồng lúa và các cây hoa màu khác. Có năm, tổng thu nhập của bà con trong xã từ cây ớt đạt hơn 30 tỷ đồng”, ông Ngọc nói.
Huyện Yên Định có khoảng 600ha trồng ớt tại 26 xã và đã có 20 mã số vùng trồng ớt phục vụ xuất khẩu được cấp với diện tích 300ha. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và Malaysia. Theo tính toán, thu nhập từ cây ớt xuất khẩu trung bình đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha, hiệu quả cao hơn so với nhiều cây trồng khác như lúa, ngô, khoai tây…
Hợp tác xã liên kết 1.000 hộ làm vụ đông
Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mấy năm nay đứng vai tổ chức sản xuất kiêm thêm việc tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ông Hạnh thú thực, dù địa phương có lợi thế đất đai nhưng mấy năm trước, nông sản (chủ yếu là cây lạc) khó tìm đầu ra nên dù công sức bỏ ra nhiều nhưng nông dân vẫn không khấm khá nổi. Nhiều người chán làm nông nghiệp nên chuyển hướng sang kinh doanh buôn bán hoặc làm công nhân. Bởi vậy, hàng chục ha đất nông nghiệp trong xã bỏ hoang nhiều năm. Trong khi đó, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động cầm chừng do nguồn vốn hạn hẹp, cách thức tổ chức sản xuất chưa bài bản nên hiệu quả sản xuất không đạt kỳ vọng.
Đồng đất bỏ hoang, dân không mặn mà cấy cày, bởi vậy tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt của xã Hoằng Lưu cách đây vài năm đã thống nhất giải pháp tích tụ đất đai, lựa chọn cây trồng phù hợp với để hình thành vùng trồng theo hướng hàng hóa. Theo ông Hạnh, chỉ có như vậy nông dân mới không “đơn thương, độc mã” trên những bờ xôi ruộng mật.
Nói là làm, lãnh đạo xã Hoằng Lưu cùng ông Hạnh đứng ra kêu gọi người dân góp vốn, thành lập Công ty Xuân Minh, đồng thời vận động bà con thực hiện hiện tích tụ đất đai, liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng rau màu vụ đông theo hướng hàng hóa.
Sau hơn 5 năm, Công ty Xuân Minh đã hình thành được vùng trồng cây vụ đông với diện tích liên kết 50ha, gồm hơn 100 hộ dân tham gia. Các vùng sản xuất tập trung được khảo sát kỹ thổ nhưỡng, phù hợp với từng cây trồng (khoai tây, cà rốt).
Các diện tích liên kết được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (cơ giới hóa, hệ thống phun tưới tự động). Bên cạnh đó, lịch gieo trồng vụ đông tại xã Hoằng Lưu cũng sớm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nhằm nắm bắt xu hướng thị trường, giúp nông dân tranh thủ được giá cả khi nông sản chưa bão hòa.
“Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho bà con tại xã Hoằng Lưu khá bền vững, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia cùng có lợi. Ngay từ đầu vụ, doanh nghiệp đã ký bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Nông sản nhập cho công ty được tính tiền ngay tại ruộng để bà con yên tâm tái sản xuất vụ mới. Với việc liên kết sản xuất, mỗi hộ dân có thể thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng/sào vụ đông”, ông Hạnh chia sẻ.
Tương tự, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang liên kết với hơn 1.000 hộ dân tại các huyện Nông Cống, Hoằng Hóa, Nghi Sơn, Quảng Xương để sản xuất rau, củ, quả vụ đông với tổng diện tích hơn 150ha. Các cây trồng chủ lực của Hợp tác xã đã và đang mang lại giá trị kinh tế cao như khoai tây, dưa chuột, ngô ngọt, rau cải…
Quá trình sản xuất, nông dân được Hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời ứng trước giống, vật tư phân bón… cho bà con và bao tiêu sản phẩm.
Ông Lương Quốc Đạt, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành cho biết, mỗi năm Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rau, củ, quả an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, mang lại doanh thu từ 45 – 50 tỷ đồng.
Vụ đông 2024 – 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 47.000ha trở lên. Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các địa phương đa dạng hóa các nhóm cây, nhất là chú ý trồng rải vụ đối với cây rau. Tăng cường trồng nhóm cây trồng chủ lực gồm ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại.
Nguồn: nongnghiep.vn