Ngày 24/11, xác nhận với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn xác nhận có việc trên: “Chúng tôi vừa tiếp nhận thông tin gia súc của người dân tại bản Huồi Mũ, xã Huồi Tụ chết với số lượng lớn, thống kê bước đầu ghi nhận tổng cộng 26 con trâu bò. Cơ quan chuyên môn bác bỏ nguyên nhân do tụ huyết trùng, khả năng cao do bệnh ung khí thán”.
Ông Rê cũng nhấn mạnh sự việc mới xảy ra không lâu, trâu bò chết không thuộc chương trình, dự án. Từ diễn biến thực tế, ngày 25/11 Đoàn liên ngành của UBND huyện Kỳ Sơn sẽ vào hiện trường kiểm tra để sớm có phương án chỉ đạo xử lý.
Qua tìm hiểu, xác minh được biết, sự cố bất thường tại bản Huồi Mũ xảy ra vào ngày 19/11, những ngày kế đó số lượng trâu, bò chết tăng nhanh bất thường khiến nhiều chủ nuôi bất an tột độ. Quan sát bằng mắt thường thấy rằng trâu bò chết đều chung hiện tượng bụng trương phình, thoạt nhìn cảm tưởng như một chiếc bóng sắp bị vỡ tung.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy một số bệnh phẩm để phân tích hòng sớm làm rõ nguyên nhân. Kiểm tra các phần cơ, thịt ở bắt đùi trâu, bò phát hiện vùng thâm, xung quanh có bọt khí, đây là dấu hiệu điển hình của bệnh “ung khí thán” ở gia súc.
Lãnh đạo UBND xã Huồi Tụ thông tin, dịch bệnh ung khí thán đang có chiều hướng lan nhanh trên tổng đàn gia súc của bản Huồi Mũ, từ số lượng trâu bò chết thực tế ước tổng thiệt hại lên đến vài trăm triệu đồng. Trong đó, nặng nhất là hộ ông Lỳ Xái Phia với 12 con trâu, 1 con bò bị chết.
Đây là lần đầu tiên xã rẻo cao này ghi nhận bệnh ung khí thán trên trâu bò, vì thế tâm lý hoang mang càng bao trùm rộng khắp. Mặc dù UBND xã đã phối hợp Phòng NN-PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức khoanh vùng, điều trị hòng khống chế dịch trong diện hẹp nhưng không dễ.
Nhận định trên xuất phát từ nhiều nguyên do. Thứ nhất, bệnh ung khí thán lây nhiễm qua nhiều hình thức, riêng vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong thức ăn, nước uống, khi trâu, bò sử dụng khó trảnh khỏi nhiễm bệnh. Nguy hại hơn, bệnh ung khí thán lây lan và vùng phát rất nhanh, trong thời gian ngắn có thể khiến vật nuôi tử vong tức thì.
Nguyên nhân sâu xa nữa làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh đến từ thói quen chăn thả rông gia súc của đồng bào vùng cao, thực trạng này diễn ra phổ biến khắp huyện Kỳ Sơn, trong đó bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ là lát cắt chân thực nhất.
Lo ngại tình hình tiếp tục chuyển biến xấu, UBND xã Huồi Tụ đã đề xuất huyện Kỳ Sơn cung ứng vacxin cho các hộ nuôi để phòng dịch ung khí thán, đồng thời khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra tổng đàn, khi phát hiện dấu hiệu bất thường phải báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn.
Mặt khác UBND xã Huồi Tụ đã huy động lực lượng tổ chức tiêu độc, khử trùng ở các khu vực trại chăn nuôi có xuất hiện trâu, bò chết, hoặc mắc bệnh ung khí thán để giảm thiểu tối đa nguy cơ. Chính quyền xã cũng yêu cầu người dân không được giết, mổ trâu, bò nhiễm bệnh, tránh phát tán vi khuẩn ra môi trường xung quanh.
Ung khí thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính của trâu, bò, do trực khuẩn yếm khí Clostridium chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác (Cl.septicum, Cl.perfringens) gây ra. Trâu, bò khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh sẽ bị sưng bắp thịt, có khí. Nếu nhiễm bệnh ở thể quá cấp tính, trâu bò có thể chết trong vòng từ 3 đến 6 tiếng. Ở thể cấp tính, bệnh tiến triển trong 2-3 ngày đến 1 tuần, nếu không được điều trị kịp thời, vật nuôi có thể tử vong.
Bệnh này có thể xảy ra quanh năm ở những vùng có ô nhiễm nha bào ung khí thán, tần suất càng tăng cao vào các tháng thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều. Nước mưa làm cho nha bào từ trong đất trôi ra ngoài dính vào rơm cỏ, súc vật ăn vào sẽ phát sinh bệnh.
Nguồn: nongnghiep.vn