Tìm “đỏ mắt” chưa thấy
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực tập trung nhiều trường đại học như quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân,… hiện giá phòng trọ, nhà trọ đều tăng đột biến. Thậm chí nhiều nơi có mức giá “trên trời”, mặc dù diện tích rất nhỏ hẹp, nội thất không có gì.
Sau khi đã biết kết quả trúng tuyển vào một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy, em Nguyễn Gia Hân, quê ở tỉnh Hòa Bình mấy hôm nay tiếp tục “đỏ mắt” đi tìm phòng thuê trọ.
Sau khi dạo quanh một vòng trên các hội nhóm thuê phòng, Gia Hân vẫn không thể nào tìm được một chung cư mini có giá cả hợp lý. Đa phần các phòng trọ ở chung cư mini đều có diện tích từ 20 – 35m2 nhưng có giá cho thuê từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng một tháng, chưa tính các chi phí dịch vụ khác.
“Em muốn tìm một phòng ở sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi và đảm bảo an ninh nên hướng tới các chung cư mini. Thế nhưng giá phòng trọ đều quá cao so với điều kiện của gia đình em ở quê. Khi đến tận nơi xem phòng thì mới ngã ngửa vì khác xa với xem trên ảnh, clip. Phòng trọ vừa nhỏ, hẹp, bí bách và ở trong những ngõ ngách rất sâu”, Gia Hân chia sẻ.
Dù đã chuẩn bị tinh thần từ sớm trong việc đi tìm phòng trọ, thế nhưng em Trần Hà Trung (quê Lạng Sơn), tân sinh viên trường Đại học Y Hà Nội vẫn không tránh khỏi tình cảnh bất lực với giá thuê trọ. Sau khi hỏi trên dưới 20 đại chỉ, phòng có giá thấp nhất Huy tìm được cũng hơn 3, 5 triệu đồng.
“Khi thuê nhà, các ông bà chủ đều nói mức giá này hiện nay là phổ thông, nếu em không thuê thì sẽ sớm hết phòng. Tiền dịch vụ được tính gồm tiền nước 100.000 đồng một người, tiền điện 4.000 đồng một số, tiền vệ sinh 150.000 đồng một phòng. Nếu tính cả tiền phòng thì một tháng ít nhất em cũng phải trả gần 5.000.000 đồng. Số tiền này so với điều kiện kinh tế của gia đình em là quá cao. Em ở xa mới về thủ đô nên chưa quen ai để có thể cùng ở ghép, chia bớt chi phí sinh hoạt”, Trung cho hay.
Với mục đích tìm kiếm một phòng trọ ở mức giá trung bình nên em Huỳnh Hà My (quê Ninh Bình) tìm đến các dãy nhà trọ ở ngoại ô, vị trí cách xa trường học. Với giá tiền 3.500.000 một tháng, nhưng phòng trọ không được trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Khi đặt câu hỏi với chủ trọ về việc yêu cầu trang bị thêm thì My chỉ nhận được câu trả lời thờ ơ từ chủ trọ “Nếu thích thì em tự mua một bình chữa cháy riêng, hơn nữa em ở tầng 1 thì chạy đi đâu chẳng được”.
Không chỉ riêng các bạn tân sinh viên, nhiều sinh viên năm 2, năm 3 cũng không tránh khỏi tình cảnh loay hoay trong “cơn bão” nhà trọ tăng giá. Khi được hỏi lý do tăng giá phòng trọ thì các chủ trọ đều lấy lý do phải lắp thiết thêm bị phòng cháy chữa cháy.
Trong khi việc lắp thiết bị phòng cháy chữa cháy vốn là điều kiện cơ bản bắt buộc phải có ở các phòng trọ và chung cư mini. Thế nhưng, một số phòng trọ sau khi xây sửa, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đồng loạt tăng giá khiến sinh viên lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Tưởng rẻ hóa đắt
Thời điểm tân sinh viên lên nhập học các trường đại học trên địa bàn thủ đô, nhiều chủ nhà trọ đều trong tình trạng sốt sắng sửa sang lại phòng ốc để… tăng giá thuê. Nhiều căn phòng có diện tích 35m2 được trang bị thêm những vách ngăn đã nghiễm nhiên trở thành phòng ở 1 ngủ, 1 khách. Kết quả là giá phòng được đẩy lên gấp đôi.
Hiện tại, phòng trọ ở mức giá 2 triệu đồng trở xuống ở mức khan hiếm. Nếu có, phòng ở thường không khép kín, chỉ kê được một chiếc giường, và không đủ diện tích cho các sinh hoạt tối thiểu.
Nhiều phòng trọ có giá tưởng như hợp lý thì phí dịch vụ lại như “trên trời”, đến khi chi phí cộng dồn lại thì con số đều ở mức không hề nhỏ. Giá phòng trọ luôn biến động và có muôn hình vạn trạng để các chủ nhà trọ tìm cách để tận thu. Cuối cùng, người loay hoay trong cuộc chiến tìm nhà trọ vẫn là các em sinh viên ngoại tỉnh.
Lý giải nguyên nhân giá phòng trọ tăng cao, bà Hoàng Thị Mận, chủ phòng trọ ở khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Giá phòng trọ hiện đã tăng hơn 10% so với thời gian trước là do mặt bằng chung giá bất động sản tăng. Sau khi xảy ra nhiều vụ cháy nổ, chúng tôi cũng phải đầu tư sửa chữa hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, lối thoát hiểm nên việc tăng giá là tất yếu.”
Trong cơn bão giá, anh Hoàng Minh Hà, chủ nhà trọ khu vực quận Hoàng Mai chia sẻ: “Chúng tôi cũng bất khả kháng không thể không tăng giá do chi phí nguyên vật liệu tăng, chi phí xây dựng nhà trọ độn lên. Do vậy không tăng không được”.
Chi phí nhà trọ tăng cao khiến các sinh viên và gia đình phải gồng thêm gánh nặng theo đuổi con chữ. Xem ra công cuộc tìm nhà trọ có giá cả phải chăng sẽ vẫn là hành trình không hồi kết, đầy mệt mỏi và gian nan khiến cho nhiều phụ huynh và sinh viên lúc nào cũng ngao ngán mỗi dịp đầu năm học.
Nguồn: nongnghiep.vn