Trong khuôn khổ Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”, ông Trần Trọng Tùng, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi) thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3, thiệt hại về chăn nuôi của 22 địa phương bị tác động sơ bộ ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, người dân khắc phục hậu quả sau mưa bão, khôi phục sản xuất.
Trong đó, các biện pháp trọng tâm khôi phục chăn nuôi gồm: xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn giống; khai thác, tận dụng triệt để nguồn thức ăn sẵn có; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn vật nuôi…
Ông Tùng cũng kiến nghị, để giúp người chăn nuôi khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất, trước mắt cần hỗ trợ bằng hiện vật như thức ăn, con giống, thiết bị, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; khôi phục và cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, điện, nước đảm bảo điều kiện sản xuất; cấp bổ sung nguồn lực để tiêm phòng, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát khi môi trường dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng.
Bên cạnh đó, cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn cho nông dân về kỹ thuật tái sản xuất, quản lý rủi ro sau thiên tai, nâng cao năng suất trong điều kiện khó khăn; cử chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ trực tiếp tại địa phương để khôi phục đàn gia súc, gia cầm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng thức ăn.
Về lâu dài, cần có chính sách miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện phục hồi sản xuất. Đồng thời, nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Đặc biệt, cần xây dựng và mở rộng các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, giúp hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối mặt với rủi ro thiên tai.
Bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt, lĩnh vực thủy sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt bão, lũ vừa qua. Theo thống kê, ngành thủy sản thiệt hại gần 6.200 tỷ đồng. Để kịp thời tái thiết sản xuất, đại diện Cục Thủy sản cho rằng, cần nhanh chóng rà soát, dự kiến nhu cầu con giống thủy sản, thức ăn, dung dịch xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để chủ động phục hồi sản xuất.
Xây dựng và ban hành hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai, tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam, định mức kinh tế kỹ thuật các đối tượng nuôi để làm cơ sở xác định hỗ trợ thiệt hại. Song song đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi.
Rà soát các vùng nuôi tiềm năng để đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, tăng khả năng chống chịu đối với các sự cố thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần xem xét khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung gói vay mới để giúp người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Việc hỗ trợ tài chính cho người dân nên phân định thành hỗ trợ do thiên tai và hỗ trợ do dịch bệnh. Mở rộng chương trình, chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất thủy sản bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn