Ông Trần Khắc Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Minh Lợi, đơn vị tiên phong áp dụng nuôi lợn sạch hữu cơ tại địa bàn tỉnh khẳng định: “Hiện, chúng tôi đã mở rộng mạng lưới liên kết rộng khắp với quy mô khoảng 3.000 lợn thịt. Nuôi lợn đối diện với nhiều nguy cơ dịch bệnh, nếu chủ quan, lơ là sẽ phải trả giá đắt. Để kiểm soát tốt đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm các bước, nhất nhất không cho người người ngoài tiếp cận vùng nuôi, kết hợp rắc vôi, phun trừ khử khuẩn và chủ động tiêm phòng”.
Phải thừa nhận những doanh nghiệp, cơ sở nuôi quy mô, sở hữu tổng đàn lớn như Hợp tác xã Minh Lợi luôn đi trước một bước trong công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này trái ngược hoàn toàn với loại hình nông hộ, nhỏ lẻ đang chiếm đến 60 – 65% quy mô tổng đàn lợn của Nghệ An.
Việc này thể hiện rõ qua kết quả tiêm phòng vụ xuân 2024. Ghi nhận thực tế cho thấy tỷ lệ phủ sóng vacxin lở mồm long móng chỉ đạt gần 33%, tụ huyết trùng trâu bò 33,7%, tụ huyết trùng lợn 25,8. Cao nhất là dịch tả lợn Châu Phi và dại chó cũng chưa quá bán, lần lượt đạt 46% và 49%. Trong khi thấp nhất là viêm da nổi cục (14,8%) và cúm gia cầm (12%).
Sang đến vụ thu, tình hình cơ bản không chuyển biến, tiến độ triển khai còn chậm, tỷ lệ đạt quá thấp, thậm chí một số huyện miền núi còn chưa tổ chức tiêm phòng (ghi nhận đến cuối tháng 10/2024).
Phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An nêu hàng loạt lý do kéo theo dịch bệnh, trong đó bật lên 2 vấn đề nổi cộm: Phương thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương còn thấp, chưa đạt bảo hộ cho đàn vật nuôi.
Số đông người nuôi quả quyết dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh khiến họ mất ăn, mất ngủ triền miên trong những năm gần đây. Đặt trong bối cảnh đó nhất thiết phải phủ sóng vacxin để giảm thiểu tối đa nguy cơ, dù vậy thực tế lại trái ngược.
Toàn tỉnh Nghệ An sở hữu tổng đàn lợn trên 1 triệu con/năm nhưng chưa đầy 1/5 số này được tiêm phòng đầy đủ, đơn cử như năm 2023 chỉ tiêm được trên 1.700 liều, một số địa bàn liều tiêm chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Anh Sơn, Yên Thành, Vinh. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bên cạnh tư tưởng chủ quan của người nuôi và cấp chính quyền thì mức giá vacxin khá cao là lực cản.
Huyện yên Thành được xem là bức tranh thu nhỏ của ngành chăn nuôi Nghệ An với tổng đàn lớn nhưng hình thức đơn lẻ vẫn ở mức cao, dịch bệnh âm ỉ suốt từ đầu năm đến giờ cũng từ đây mà ra. Hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện lẻ tẻ trên địa bàn 12 xã, đa phần các hộ chỉ nuôi từ 1 – 2 con, số lượng lợn tiêu hủy không nhiều nhưng nguy cơ lây lan rất lớn.
Ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Yên Thành cho biết: “Hiện, đã có vacxin phòng ngừa dịch tả lợn Châu Phi cho đàn lợn thịt nhưng số đông hộ nuôi chưa áp dụng, nguyên nhân một phần đến từ giá thành khá cao (trên 60.000 đồng/liều). Chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y bàn bạc, áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ một phần kinh phí mua vacxin để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng, qua đó đảm bảo an toàn cho đàn lợn”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, điều khó nói của huyện Yên Thành cũng là nỗi niềm chung của các huyện Diễn Châu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Anh Sơn…
Nguồn: nongnghiep.vn