Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2014 đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành xây dựng hơn 195.000 căn nhà ở xã hội cho người lao động, công nhân khu công nghiệp.
Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” đến nay đã có 645 dự án quy mô 581.218 căn đã được triển khai.
Riêng năm 2024 có 28 dự án quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng. Ngoài ra, 113 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tương đương 142.450 căn…
Mặc dù vậy, theo Bộ Xây dựng công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như: Nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia.
Trước hình trên, ngày 10/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ phải thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phát triển nhà ở xã hội…
Nguồn: nongnghiep.vn