Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Gọi tắt là Chương trình OCOP) được xác định là một giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể là các thành phần kinh tế tư nhân, doanh nghiệp, HTX.
Tại tỉnh Yên Bái, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, nông sản, nâng cao giá trị, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Theo số liệu thống kê của sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP, trong đó 223 sản phẩm đạt 3 sao, 25 sản phẩm 4 sao. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được vị thế trên thị trường và có mặt ở các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Qua đó, từng bước góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (huyện Yên Bình) là một trong những HTX đi đầu trong phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương thành sản phẩm OCOP. HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại từ nhà xưởng, kho đông lạnh, máy hấp, máy hút chân không và chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Chị Đồng Thị Hiền, Giám đốc HTX sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh cho biết, đến nay HTX đã xây dựng được 5 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao là cá mương sấy, cá rô lọc xương sấy, lạp sườn, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy. Bên cạnh việc chú trọng lựa chọn nguồn nguyên liệu, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng, HTX đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, trên mỗi sản phẩm đều có mã vạch, QR-Code và đầy đủ thông tin, hạn sử dụng để khách hàng yên tâm khi lựa chọn.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các cơ sở, HTX nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP.
Hướng dẫn các chủ thể tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể và các quy định về ghi nhãn, ứng dụng ghi mã số, mã vạch, QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và cách thể hiện logo được bảo hộ trên bao bì, nhãn mác; cách ghi nhãn hàng hoá đầy đủ, đẹp, thể hiện được thông điệp sản phẩm…
Không chỉ nâng cao giá trị cốt lõi cho mỗi sản phẩm OCOP, việc phát triển bền vững từ chuỗi liên kết cũng là cách để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sẽ đảm bảo đầu ra, góp phần quan trọng giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường. Đây còn là tiền đề quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước hướng tới nền sản xuất hiện đại, bền vững.
Ông Phan Như Viện, Giám đốc HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (huyện Trấn Yên) chia sẻ, ngay từ khi thành lập HTX đã lựa chọn quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap để phát triển vùng chè gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, với việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, các công đoạn chế biến chè luôn được thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, HTX có 2 sản phẩm trà Bát Tiên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, được thiết kế mẫu mã đẹp và có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng. Qua đó, từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị chè sạch, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế cho các thành viên và người trồng chè.
Việc quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP đã được các ngành, địa phương quan tâm, bên cạnh các hình thức bán hàng truyền thống, hiện nay các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đang được triển khai hiệu quả. Sản phẩm nông sản, đặc sản chủ lực đã được tham gia nhiều kênh phân phối, giới thiệu quảng bá tại các hội chợ, triển lãm và các gian trưng bày sản phẩm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm OCOP đều được các ngành chức năng hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã tạo nên hình ảnh, thương hiệu Yên Bái như miến dong, mật ong, chè, quế, cá sấy, thịt sấy… được người tiêu dùng đánh giá cao.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình OCOP vẫn còn những hạn chế như: Một số sản phẩm sản xuất chủ yếu theo phương thức thủ công, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ chưa nhiều, kiểu dáng, mẫu mã, bao bì chưa được chú trọng. Ngoài ra, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa phát triển các sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu và lao động địa phương.
Chính vì vậy, để phát triển theo hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm tiếp cận với đông đảo đối tượng khách hàng, tỉnh Yên Bái chỉ đạo các ngành chức năng hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, chú trọng chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP.
Định hướng phát triển các sản phẩm OCOP không chạy theo số lượng mà phải nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ.
Nguồn: nongnghiep.vn