Bệ phóng
Đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, hạn hán khốc liệt, nhiều hồ đập, sông suối có lúc cạn kiệt nhưng nông nghiệp Nghệ An vẫn được hưởng trọn vẹn niềm vui tại vụ xuân 2024 nhờ “tải” xong 110.000ha cây trồng các loại, trong đó lúa vẫn giữ vai trò chủ lực với 90.500ha cùng năng suất bình quân trên 68 tạ/ha.
Sang đến vụ hè thu – mùa, tỉnh này triển khai gieo cấy trên 76.000ha lúa. Xuất phát từ điều kiện thời tiết đặc thù, nông dân ưu tiên sử dụng bộ giống lúa thuần chất lượng cao thay vì lúa lai. Năng suất bình quân cuối vụ đạt trên mức 52 tạ/ha, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sở dĩ Nghệ An duy trì được đà thắng lợi liên tiếp là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của tỉnh, của ngành dựa trên lịch thời vụ được xây dựng bài bản, sát với điều kiện thực tế. Quá trình thực hiện, ngành nông nghiệp yêu cầu chính quyền các cấp và các công ty thủy lợi theo dõi sát sao diễn biến tình hình để chủ động phương án vận hành, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
Trên thực tế, vụ xuân năm nay lượng mưa đổ xuống không nhiều nhưng nhờ hệ thống thủy lợi “điều tiết” hiệu quả nên vẫn rải đều từ đầu đến cuối vụ, cây trồng nhờ đó tránh được tình trạng “khô khát”. Tại vụ hè thu – mùa thời tiết lại tiếp tục có biểu hiện cực đoan, thể hiện rõ qua diễn biến của siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây ngập úng cục bộ nhiều nơi. May thay hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An đã phát huy kịp thời công năng tiêu úng, qua đó “cứu” ngành nông nghiệp khỏi một bàn thua trông thấy.
Nhân đây xin thông tin thêm về bề dày lịch sử của hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, là một trong hai hệ thống thủy lợi lớn của tỉnh. Công trình này trải dài qua 4 huyện và 1 thị xã, trực tiếp cấp nước tưới cho hơn 28.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, cũng như phục vụ nước sinh hoạt cho gần 1 triệu người. Hệ thống giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhưng điểm trừ là tuổi thọ cao, được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, sau hơn 80 năm vận hành, dưới tác động của thời tiết, thiên tai, chiến tranh đã xuống cấp trầm trọng. Qua kiểm tra thấy rằng chất lượng công trình có vấn đề, cơ bản không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thực tại.
Từ yêu cầu hết sức cấp bách, năm 2012, dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA 2) đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, kinh phí thực hiện sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (nguồn vốn vay JICA khoảng 4.394 tỷ đồng), một phần vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương (439 tỷ đồng) và tỉnh Nghệ An (hơn 371 tỷ đồng).
Chủ trương này đặc biệt quan trong với Nghệ An, vốn là tỉnh có khoảng 80% dân số gắn liền với sản xuất nông nghiệp, riêng tỷ trọng ngành này chiếm gần 25% GRDP toàn tỉnh. Bên cạnh đó, Nghệ An nằm trong vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra nắng nóng và mưa nhiều, đồng thời chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Mặt khác Nghệ An đang tiến hành chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm sản xuất nông nghiệp, điều này kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao. Đặt trong bối cảnh nguồn nước tự nhiên ngày càng bị suy kiệt, các công trình thủy lợi cơ bản chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt ra, thấy rằng việc nâng cấp và xây mới hệ thống này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
10 năm vượt nắng thắng mưa
Dự án khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do Sở NN-PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục trọng tâm sau: nâng cấp hệ thống tưới, đập dâng Đô Lương, cống Tràng Sơn, kênh chính; kênh nhánh cấp 1, 2, 3; mở rộng cống Diễn Thành…Các chuyên gia khẳng định đây dự án thủy lợi trọng điểm với khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi tiềm lực tài chính cực lớn cùng trình độ chuyên môn cao. Do đối mặt với nhiều rào cản, thách thức nên quá trình thực hiện đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khởi đầu.
Tuy nhiên nhờ sự quan tâm sâu sát của Trung ương, của Bộ NN-PTNT, kết hợp với nỗ lực cao độ của Tổ chức JICA, chính quyền tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị liên quan những nút thắt dần được tháo gỡ. Sau hơn 10 năm gắng sức không ngơi nghỉ, dự án quy mô hơn 5.000 tỷ đồng đã cán đích thành công, cùng lúc đảm bảo tiến độ, chất lượng và tính thẩm mỹ.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An. Sau khi hoàn thành đã góp phần giảm ngập úng cho 15.000ha, tăng diện tích tưới ổn định thêm 9.164ha, mỗi năm tăng thêm khoảng 134.000 tấn sản lượng lương thực. Đây là dự án đa mục tiêu, vừa cấp nước phục vụ công nghiệp, sinh hoạt, tăng khả năng tiêu thoát, lại góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực, qua đó tạo chuyển biến căn cơ trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện được thụ hưởng”.
Cùng với các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương và thị xã Hoàng Mai, huyện lúa Yên Thành nằm trong số các địa phương được hưởng lợi lớn nhất từ dự án này.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho hay:“ Yên Thành nằm ở đầu nguồn của hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An nên vấn đề nước tưới chưa bao giờ là mối lo, nguồn nước dồi dào giúp địa phương chủ động bố trí đúng khung lịch thời vụ, qua đó giảm thiểu tối đa nguy cơ. Như vụ hè thu – mùa 2024 chẳng hạn, nhờ tuân thủ đúng ngày, đúng tháng nhà nông đã kịp thời thu hoạch toàn bộ diện tích lúa trước khi mưa bão ập đến”.
Ngày 22/3/2024, phát biểu tại Lễ khánh thành dự án Khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định các mục tiêu cơ bản đặt ra đều đạt và vượt. Dự án đã nâng tầm toàn diện hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, vừa tăng cao diện tích tưới lại góp phần nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng kênh mương trong phạm vi thụ hưởng. Bản chất là dự án khôi phục, nâng cấp nên quá trình triển khai đối diện với nhiều khó khăn, thách thức hơn những dự án làm mới hoàn toàn. Kết tinh thành quả có được nhờ các bên liên quan đã cùng nhau nỗ lực, từng bước đẩy lùi khó khăn để cán đích đúng tiến độ”.
Nguồn: nongnghiep.vn