Tổng cục Thống kê công bố, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng, tương đương 9.182 USD, tăng 726 USD so với năm 2023. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88%, lần đầu hoàn thành mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao kể từ năm 2020.
Một phần nguyên nhân được Tổng cục Thống kê chỉ ra, là do trình độ người lao động được cải thiện hơn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,3%, cao hơn 1,1 điểm phần trăm so với năm 2023.
Những năm trước đó, năng suất lao động của Việt Nam tăng trưởng dưới 5%. Cụ thể, năm 2022 và 2023 tăng tương ứng 4,8%; 3,65% so với năm liề trước. Con số này thấp hơn giai đoạn 2011-2020. Khi ấy, bình quân mỗi năm tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%.
Là chỉ số phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất cụ thể trong quá trình sản xuất, năng suất lao động được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong số các nước tăng trưởng cao về năng suất lao động. Dù vậy, mức chênh lệch tuyệt đối giữa Việt Nam và một số nền kinh tế hàng đầu khu vực và châu lục lại có xu hướng tăng.
Chi tiết về từng ngành, năng suất lao động trong khối sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng nhanh nhất. Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2020 đạt 6,1%/năm. Dù vậy, đây lại là khu vực có giá trị tuyệt đối về năng suất lao động thấp nhất trong nền kinh tế.
Ngược lại, công nghiệp và xây dựng là khu vực có năng suất lao động cao nhất trong nền kinh tế, nhất là nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí.
Bộ NN-PTNT nhìn nhận, năng suất lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn gặp hạn chế bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa tương xứng với tiềm năng.
Cùng với đó, tư duy, cách làm còn mang nặng tính thủ công, sản xuất phần nhiều theo tập quán của người nông dân cũng là nhân tố bao trùm khiến việc cải thiện năng suất lao động bị chậm.
Một nghiên cứu của nhóm tác giả Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2022 cho thấy, có tới hơn 70% số HTX nông nghiệp tham gia khảo sát không biết đến hóa đơn điện tử. Đó là một con số giật mình, bởi đến ngày 1/7/2022, hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, căn cứ Nghị định 23/2020/NĐ-CP.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phân tích, tăng năng suất lao động giữ vai trò quan trọng trong việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động. Đó cũng là cách để những quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu, bên cạnh những nền tảng sẵn có như chi phí lao động thấp, nguồn tài nguyên sẵn có.
Có 2 cách để tăng năng suất lao động, thông qua sử dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc, hoặc đào tạo kỹ năng cho người lao động. Với Việt Nam, ADB khuyến cáo phương án thứ hai, đồng thời chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn.
Bất chấp thị trường lao động quý IV và năm 2024 có nhiều khởi sắc, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) nhận xét, lao động có việc làm tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững. Nguyên do bởi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu ổn định.
Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, trong đó tỷ trọng dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi chiếm 23,3% và tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,3%. Nhưng đi kèm là dân số có xu hướng già hóa nhanh, tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm. Điều ấy đặt ra những vấn đề trong phát triển thị trường lao động, đặc biệt là nâng cao tay nghề.
“Lao động phi chính thức tồn tại như một phần không thể thiếu đối với một quốc gia đang phát triển và quy mô dân số lớn như Việt Nam”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ và nói thêm, rằng cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp để giảm lao động trong khu vực phi chính thức trong giai đoạn tới.
GDP bình quân đầu người Việt Nam năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023. Tuy nhiên, phân bổ GDP bình quân đầu người không đồng đều giữa các khu vực, khi mà khu vực thành thị hiện gấp rưỡi khu vực nông thôn.
Nguồn: nongnghiep.vn