Chấp nhận tốn kém cho chuồng trại
Hơn 3 tháng sau bão số 3, ông Bùi Minh Họa, chủ trang trại đảo Bầu rộng 70 ha tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão vẫn chưa khắc phục xong hệ thống chuồng trại chăn nuôi để quay trở lại hoạt động ổn định như trước đây.
Theo chia sẻ từ ông Họa, nếu tổng thiệt hại trên đảo qua kiểm kê sơ bộ hơn 30 tỷ đồng có tới hơn 10 tỷ đồng từ phần chuồng trại bị hư hỏng, tốc mái. Ngay sau khi bão tan, ông Họa đã huy động hàng chục thợ đến sửa chữa, khắc phục ngay phần chuồng trại để sớm tái sản xuất, tuy vậy việc này gặp nhiều khó khăn.
“Thiệt hại nhiều quá, làm không xuể nên chúng tôi tập trung vào những hạng mục cần kíp trước. Với các chuồng trại bị hư hỏng, nếu làm lại mới thì sẽ nhanh hơn nhưng như thế sẽ rất tốn kém nên tôi quyết định sửa lại, tuy vậy chi phí để hoàn thiện 20 chuồng trại chắc cũng hơn 10 tỷ đồng”, ông Bùi Minh Họa cho hay.
Cũng theo ông Họa, trong mấy chục năm gắn với nuôi cá, chăn nuôi và trồng trọt tại đảo Bầu, chưa bao giờ nghĩ đến việc có ngày trai trạng lại bị tàn phá tàn tành như vậy. Dù được xây dựng kiên cố, chắc chắn để chăn nuôi lâu dài nhưng rõ ràng trước thiên tai vẫn mỏng manh, do đó trong đợt sửa chữa này, ông Họa quyết định làm cẩn trọng hơn, chắc chắn hơn để có thể ứng phó với biến đổi khí hậu, với thiên tai ngày càng khốc liệt.
“Từ hệ thống thoát nước, nền, cột cho đến mái đều được tôi làm cẩn thận và tính toán đến phương án nếu có cơn bão tương tự xảy ra thì không xảy ra trường hợp đáng tiếc như vừa qua nữa. Có thể sẽ mất thời gian và tốn kém nhưng phải chấp nhận thôi, thiên tai bây giờ rất khó lường”, ông Bùi Minh Họa chia sẻ thêm.
Không chăn nuôi quy mô lớn như ông Bùi Minh Họa nhưng anh Nguyễn Văn Hướng một hộ nuôi gà tại xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng cũng lĩnh đủ mọi cay đắng, xót xa của thiên tai khi cơn bão số 3 làm sập gần như toàn bộ hệ thống chuồng trại rộng 1.000m2 của gia đình, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.
Tính đến tháng 11/2024, tổng đàn lợn toàn thành phố ước đạt 145.000 con giảm 0,8% so với cùng kỳ, đàn gia cầm ước đạt 7,9 triệu con giảm 7,7%, đàn trâu, bò ước đạt 4,2 nghìn con, giảm 1,98%, bò ước 7.000 con, giảm 2,8% so cùng kỳ.
Trước khi có bão, hệ thống chuồng trại được xây dựng cơ bản kiên cố, phần mái lợp bằng fibro xi măng, phía dưới có che chắn một lớn bạt. Trong 18 năm nuôi gà của gia đình, các cơn bão đi qua, hệ thống chuồng trại vẫn an toàn. Tuy nhiên, khi bão số 3 đổ bộ, toàn bộ phần mái bị tốc, hệ thống tường bao đổ la liệt, toàn bộ bạt che chắn bị rách và cơ sở vật chất bên trong gần như bị hỏng.
Dù đã có nhiều năm nuôi gà và có lãi cũng tương đối nhưng chỉ một trận cuồng phong như vậy, gia đình anh Hướng đã lập tức gặp khó khăn về vốn khi vừa mới trả nợ ngân hàng xong. Tuy vậy, lo lắng lịch sử lặp lại, anh Hướng quyết định vay ngân hàng để đầu tư nâng cấp hệ thống chuồng trại bằng cách thay lớp bạt bằng lớp tôn lạnh kiên cố dưới phần mái lợp fibro xi măng.
“Tôi có 2 chuồng trại, mỗi bên lợp thêm lớp tôn lạnh dưới mái lợp fibro xi măng sẽ mất tổng cổng khoảng 300 triệu nhưng buộc phải đầu tư để đề phòng trường hợp tốc mái có thể xảy ra trong tương lai. Chúng tôi chăn nuôi quy mô vừa lời lãi không bao nhiêu, chỉ cần một lần như thế là kiệt quệ nên phải thận trọng”, anh Hướng bộc bạch.
Tại phường Tân Thành, ông Nguyễn Văn Thập cũng vừa chia hơn 2 tỷ đồng để sửa chữa lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình. Trong cơn bão số 3, ông Thập mất hơn 300 con lợn và toàn bộ cơ sở vật chất gần như bị hỏng, hoặc tốc mái.
Ngoài việc đầu tư các loại mái lợp chất lượng tốt hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, ông Thập cũng tính chuyển đổi mô hình sản xuất một khu vực chuồng trại chăn nuôi do thường xuyên ngập lụt và hiệu quả kinh tế không được cải thiện.
“Tôi thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, mất mát rất lớn, ngoài số lợn và gà bị chết, chuồng trại gần như bị hỏng, chưa bao giờ tôi hình dung ra hậu quả như thế. Do vậy, trong lần tái thiết này, tôi quyết định đầu tư để hệ thống trang trại kiên cố đảm bảo hơn trong mùa mưa bão. Hải Phòng là thành phố ven biển, chắc chắn sẽ còn nhiều cơn bão tương tự trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Thập bày tỏ.
Chủ động phòng xa
Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai bão, lũ, triều cường, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai như sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặn,… gây ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi.
Để nâng cao khả năng đối phó với các tình huống thời tiết bất thường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã khuyến cáo người dân chú trọng việc chăm sóc đàn vật nuôi nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, như mưa lớn hay bão. Đồng thời, cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để ứng phó kịp thời khi xảy ra thiên tai như mưa bão, lũ lụt hoặc dịch bệnh.
Đối với những khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, việc xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải được thực hiện cách xa bờ sông. Nền chuồng nên được nâng cao và thiết kế chuồng trại một cách hợp lý để tránh bị ảnh hưởng bởi nước lũ. Rèm che chắn cũng cần được trang bị để bảo vệ khỏi mưa và gió mạnh.
Các công đoạn kiểm tra và gia cố cho chuồng trại phải được tiến hành thường xuyên nhằm đảm bảo tính vững chắc trong mùa mưa bão. Nếu mái của chuồng nuôi chưa đủ kiên cố do sử dụng lá hoặc tôn nhẹ thì có thể sử dụng các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt hay dây kẽm lớn để gia cố mái hoặc dùng bao cát và can nước để hạn chế tốc mái khi gặp gió mạnh.
Về thức ăn cho vật nuôi, việc chuẩn bị sàn kê cao và dùng vải nilon che chắn khỏi mưa là rất quan trọng. Căn cứ vào số lượng cũng như loại vật nuôi cùng với mức tiêu thụ thức ăn hàng ngày của cơ sở chăn nuôi, kế hoạch dự trữ thức ăn tối thiểu 15 ngày cho đàn vật nuôi nên được lập ngay từ đầu.
Hệ thống thoát nước xung quanh khu vực chuồng trại như thoát nước thải hay nơi chứa chất thải rắn cần phải được kiểm tra định kỳ để giảm thiểu ô nhiễm trong trường hợp xảy ra mưa lớn hoặc ngập lụt. Nguồn nước uống cũng cần phải được dự trữ sạch sẽ, máy bơm và hệ thống dẫn nước nên được sửa chữa kịp thời nhằm đảm bảo nguồn cung cấp luôn sẵn có.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, về cơ bản hệ thống chuồng trại chăn nuôi tại Hải Phòng hiện nay đã được cải thiện nhiều so với trước, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Trong trường hợp bão lớn, lũ lụt, người dân không còn cách nào khác ngoài việc gia cố chuồng trại tạm thời.
Để ứng phó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi tôn cao nền chuồng trại và làm tốt hệ thống thoát nước. Với những chuồng trại ở khu vực nguy cơ ngập lụt cao, có thể tính đến phương án di chuyển vị trí khác.
“Hệ thống chuồng trại chăn nuôi tại Hải Phòng hiện tại cơ bản là tốt, người dân đã làm chắc chắn, không phải tạm bợ. Nhưng bão số 3 lớn quá, vượt sức chống chịu. Ảnh hưởng lớn nhất với người dân vừa qua là do ngập lụt. Trong tương lai, chúng tôi đã khuyến cáo người chăn nuôi các biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, ngoài đầu tư xây dựng kiên cố thì cần quan tâm tôn cao nền chuồng trại hoặc thậm chí là di chuyển trang trại nếu cảm thấy nguy cơ ngập lụt cao”, ông Hùng chia sẻ.
Trung bình hàng năm Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Về lũ, các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn, triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão, điều này đòi hỏi người chăn nuôi phải có phương án thích ứng phù hợp.
Nguồn: nongnghiep.vn