Thông tin tại lễ khai mạc Triển lãm Xây dựng và Nội thất Việt Nam 2024 (Vibe 2024) sáng 2/10, ông Bùi Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm có tới 70-80 triệu m2 nhà mới được xây dựng, nhu cầu về tiêu dùng các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa có mức tăng trưởng tốt.
Trong đó, việc mua sắm các sản phẩm nội thất gia đình như ghế sofa phòng khách, bàn ghế ăn… có mức tăng trưởng lớn trong những năm qua. Các sản phẩm nội thất cho các công trình khách sạn, văn phòng cho thuê… cũng có xu hướng tăng so với những năm trước.
“Với quy mô sản xuất và nhu cầu về tiêu dùng của thị trường nội địa ngày càng lớn nhưng dường như các doanh nghiệp nội thất trong nước đang tập trung hơn cho thị trường xuất khẩu mà chưa thực sự đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Hiện nay, các sản phẩm nội thất cao cấp nhập khẩu từ các nước Châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc, vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới”, lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương nói.
Theo ông Hưng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để thực hiện chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để có thể đáp ứng, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng xanh và bền vững của thế giới cũng như cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu tại thị trường nội địa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khanh, Trưởng ban tổ chức Vibe 2024, cho biết, theo thống kê Bộ NN-PTNT, ngành nội thất nội địa ước tính chỉ đạt 5 tỷ USD. Như vậy, nhu cầu về các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa đang còn rất nhiều tiềm năng và ổn định trong dài hạn.
Vì vậy, việc đón đầu làn sóng phục hồi và tăng trưởng, kết nối chặt chẽ hệ sinh thái hai ngành nội thất và xây dựng là điều cần phải làm lúc này, nhằm mang đến các cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Khanh, Triển lãm Vibe 2024 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô 500 gian hàng, quy tụ gần 150 nhà triển lãm lớn trong các lĩnh vực nội thất, kiến trúc, xây dựng, với sự đầu tư nghiêm túc và bài bản từ thiết kế, dàn dựng cho đến phát triển mẫu mã sản phẩm mới.
“Đây sẽ là một sân chơi lớn giúp lan tỏa giá trị và kết nối cơ hội kinh doanh với 3 sứ mệnh trọng tâm: cung cấp thông tin và xu hướng; mở rộng kết nối hệ sinh thái ngành nội thất và xây dựng; thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho các soanh nghiệp ở thị trường trong nước và định hướng xuất khẩu.
Đặc biệt, Vibe 2024 còn là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm và dịch vụ chất lượng ra thị trường phục vụ thị hiếu đa dạng, thẩm mỹ cao của người tiêu dùng Việt.
Bên cạnh đó, từng bước mở rộng phạm vi quốc tế và mua hàng trên toàn thế giới, tìm kiếm nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ xây dựng, vươn tầm xuất khẩu như ngành gỗ và nội thất đã đạt được”, ông Khanh nói và cho biết, Vibe lần đầu tiên được tổ chức hướng đến 3 tiêu chí “Style – Phong cách, Smart – Tính hiệu quả và Sustainability – Tính bền vững”.
Qua đó, góp phần đưa triển lãm Vibe thực sự trở thành một hoạt động của cộng động ngành nội thất – kiến trúc – xây dựng, trong đó phát huy được mạnh vai trò của các hiệp hội, đối tác, tổ chức uy tín trong và ngoài nước.
Nguồn: nongnghiep.vn